Ngô Chí Công nổi tiếng khi anh cầm trong tay bông sen thật, ướp tươi khoảnh khắc nở đẹp nhất, từ xứ Đồng Tháp bước vào kiến trúc sang trọng và lọt vào “mắt xanh” của những nhóm du khách phương xa.
Ngô Chí Công với sản phẩm từ hoa sen quê nhà.
Khởi nghiệp bằng nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện với người trẻ gần giống Chí Công: đi du học ở phương Tây, mang về những kiến thức còn xa lạ, giữ trong mình một tham vọng, và “chế biến” giấc mơ của quê nhà thành thành giá trị mới, như Công chuyện trò với Tạp chí Nhà Quản Lý đầu Xuân 2018.
Trong quá trình khởi nghiệp, anh đã thử qua khá nhiều sản phẩm và nghề ở thời kỳ đầu. Nếu bây giờ phải nhắc lại thời đó, anh nhìn nhận vấn đề khi mới khởi nghiệp dễ gặp phải là gì?
Tôi có để ý tại các cuộc thi khởi nghiệp, sản phẩm của các bạn chưa hoàn chỉnh, còn thô sơ, kể cả bao bì. Họ thường chăm chăm đổ tư duy vào sản phẩm của mình, một ví dụ Công biết có thể kể là chà bông ếch, sản phẩm ngon, chất lượng, nhưng bao bì xấu. Trào lưu bao bì, của các tỉnh cập nhật trễ hơn TP.HCM. Trong khi thị trường tốt nhất là thị trường TP.HCM họ cạnh tranh không lại. Sản phẩm rất tốt nhưng họ chỉ có thể bán đi, sau đó người ta đóng gói lại, bán giá rất cao.
Khi mới làm, người khởi nghiệp hay đi trước nhu cầu của thị trường, như các sản phẩm thất bại trước đây của Công, giá thành đi kèm khá cao,thiếu tính toán dài hạn, chỉ chú ý vào việc hoàn chỉnh sản phẩm hoàn hảo trong khi thị trường thì chưa cần đến như vậy.
Ít kinh nghiệm cũng khiến họ bị ép giá, phá huề vốn hoặc có khi phải bù lỗ. Và doanh thu ảo thời gian đầu như được gia đình, người thân mua ủng hộ cũng làm cho người mới đánh giá sai thị trường, “ảo tưởng” vào sức mạnh quá lớn, dẫn đến quyết định nhập hàng sai lầm, thuê nhân sự ào ạt làm vỡ quỹ lương, và cuối cùng là khó khăn và thâm hụt.
Khi nhìn lại những công ty anh từng làm, giống như cuộc từ từ quay trở về với nguồn lực quê nhà, tại sao anh nghĩ tới hoa sen vào lúc đó?
Sau những thất bại ban đầu, Công cũng thấy chính bản thân cần phải định vị lại cách nhìn của mình, để nhớ ra điều thôi thúc Công không ở lại Pháp làm việc là muốn cống hiến và xây dựng quê hương của mình,và ở Đồng Tháp có hoa sen.
Với Khởi Minh Thành Công, anh chọn nguyên liệu địa phương là hoa sen, vậy nguồn nguyên liệu quê nhà có đáp ứng được cho những doanh nghiệp như anh không?
Vùng nguyên liệu hoa sen đáp ứng được. Sen bao la đó,tuy nhiên, bao la mới là vấn đề. Bí thư Đồng Tháp rất thích sen, ông nói về sen nhiều. Ở xứ sở của sen nhưng người nông dân chưa sống tốt được với sen là không tốt.
Vậy anh đã làm gì với hoa sen?
Ai cũng nói sen là loài cây xài được hết tất cả từ A – Z nhưng giá trị gia tăng chưa bằng các sản phẩm khác.Thực ra các tài nguyên khác như trái cây, mình chỉ sản xuất bán thô thôi, công nghệ chế biến chưa nhiều, đông lạnh, sấy, ko ra nhiều sản phẩm.
Đó là “bệnh” chung của trái cây, lúa, sen ở vùng đất này. Thêm sản phẩm của Công thì mới khai thác hoa sen. Khi kết hợp công nghệ thì nó sẽ mở ra rất nhiều sản phẩm khác có giá trị gia tăng cao. Trước đó người ta chỉ cắt lá sen ra làm trà, giá bán khoảng 200.000 đồng/kg, nhưng nay Công bán lá sen với công nghệ sấy khô của Pháp cho trang trí nội thất, giá là 50.000 đồng/lá. Công đưa sen vào trang trí nội thất, là sen thật. Một bông sen bình thường giá 7.000 đồng, hoa sen sấy khô của Công là 100.000 đồng/cành.
Cốt lõi là cần ứng dụng khoa học công nghệ, ta sẽ mở ra rất nhiều hướng sản phẩm khác biệt trên thị trường.
Vậy khổ cực nhất trong giai đoạn đầu anh bắt đầu làm với hoa sen ướp tươi là gì – hay khi mới khởi nghiệp là gì?
Khổ nhất là mang “con mình” đi giới thiệu. Mọi người hoài nghi sen mà xài được sáu tháng đến một năm hả? Lúc đó, công nghệ chưa hoàn chỉnh, sen vẫn chưa đẹp. Mọi người hỏi cái này là sen đó hả? Cái này là sen giả hay sen thiệt?
Nhưng hoa sen thiệt có những đặc tính của cây thiệt, những vết tích tự nhiên, độ mềm của cánh, không thể làm nhái được. Tôi kéo dài thời gian sử dụng của cây sen ở khoảnh khắc đẹp nhất để người yêu thích thưởng thức được dài lâu hơn, chứ không nhựa hóa, đóng khung, ướp xác hoa.
Đó là phần nhỏ trong kiến thức học ở Pháp. Nhờ vào kiến thức cơ bản đó, tôi biết mỗi chất có vai trò gì, sau đó mình linh hoạt xử lý trên mỗi loại khác nhau và thay đổi, và nó rèn cho tôi tư duy nghiên cứu để tự làm cái mới này.
Nhìn lại con đường của mình, vậy người khởi nghiệp chú ý gì hơn để các ý tưởng nông nghiệp thành hiện thực được?
Bây giờ trong các bạn khởi nghiệp nông nghiệp, 10 người thì hết 9 người đã có tri thức rồi, ít nhất là tốt nghiệp đại học, có khi là bác sĩ, kỹ sư rồi. Ví dụ có bạn làm tôm khô Cà Mau, là kỹ sư xây dựng. Nhưng công nghệ sấy của bạn vẫn là phơi khô bình thường không có gì mới. Vấn đề là người khởi nghiệp chưa dám tìm gặp các nhà khoa học để gợi mở và nói vấn đề của họ, tìm giải pháp công nghệ áp dụng và thử cái mới.
Ngày hội Khoa học mà tôi định làm cho học sinh ở Đồng Tháp cũng vì tư duy này. Tôi không cần tụi nhỏ hiểu khoa học gì cao siêu hết,tôi chỉ cần mấy em biết có sự tồn tại của các công nghệ, để đứa trẻ quan tâm và tự tìm hiểu sâu hơn và biết đâu sau này khi cần đến, nó sẽ tự đi tìm tiếp vì đã biết đến sự tồn tại rồi.
Anh nhắc khá nhiều về Đồng Tháp và sự hỗ trợ cho khởi nghiệp của công ty anh? Sau chừng ấy năm chọn từ Pháp quay về, anh cảm thấy gì? Anh có được gì từ nơi này?
Tôi thấy cởi mở và được trân trọng. Tôi là du học sinh về quê nhà, và cộng đồng du học sinh ở đây có tiếng nói có trọng lượng, ý tưởng tốt đều được thực hiện. Thế hệ lãnh đạo tiếp theo ở Đồng Tháp cũng mở và hầu hết trẻ, như Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ là du học sinh từ Trung Quốc về.
Cái hay của Đồng Tháp là công ty khởi nghiệp nào cũng có chủ tịch, bí thư trực tiếp xuống tham quan, coi còn khó khăn gì, sau đó kêu và chỉ dẫn, đưa các sở ban ngành đi theo, với chức trách của mình họ sẽ hỗ trợ. Có thể sở nào đó sẽ giới thiệu họ có hội chợ này phù hợp với công ty tôi, để hỗ trợ quảng bá. Sở Công Thương có thể đề nghị nếu tôi muốn đầu tư máy móc nhưng thiếu vốn, thì hỗ trợ 50% chi phí để tôi có máy móc sản xuất.
Anh không gặp rắc rối gì?
Ba năm qua tôi nhận hỗ trợ và không phải chi một xu nào hết, không vòi vĩnh, không đặt vấn đề, không khó dễ, đúng thủ tục là cứ làm. Có những dự án tôi không biết viết thì cơ quan nhà nước chỉ dẫn viết để đủ tiêu chuẩn, đúng chuẩn văn bản theo mẫu. Cơ quan nhà nước chủ động hướng dẫn doanh nghiệp làm theo đúng lộ trình, để họ làm hoàn chỉnh dự án, nghiên cứu, tư vấn rất nhiệt tình và không cần quà cáp, lại quả gì cả.
Nếu phải nói với một người trẻ muốn trở về quê và khởi nghiệp gần với nông nghiệp, anh sẽ nói với họ điều gì? Họ không nên nhầm lẫn gì?
Tôi chỉ muốn nói rằng quê hương cần các bạn và nơi nào cần thì hãy đến vì bạn sẽ được chào đón và tạo mọi cơ hội và điều kiện để bạn có thể thực hiện ý tưởng dù là điên rồ.
Nếu bạn mang đúng kiến thức vào đúng vị trí và ngành hàng sản phẩm thì không chỉ tốt cho địa phương, cho cả nước mà đi kèm đó kinh tế của bạn cũng sẽ không thiếu. Quan trọng là hãy bắt tay vào làm và bước những bước đầu tiên. Các bạn có thừa kỹ năng và tri thức để đưa nó vào nông nghiệp, để tăng giá trị sản phẩm và kiếm ra tiền từ nó.
Cảm ơn anh về trao đổi này!
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý (Mậu Tuất 2018).