VIỆN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

Tây Ninh – Tạo cú huých “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế”

Làm thế nào để xây dựng chuỗi giá trị và phát triển kênh phân phối nông sản vào thị trường quốc tế và nội địa; Tây Ninh có thể trở thành trung tâm nông nghiệp công nghệ cao và phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp trong 5 năm tới hay không?… Đây là một trong những nội dung quan trọng đã được đưa ra thảo luận sôi nổi tại Hội thảo quốc tế “Phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tây Ninh, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu Cơ, Tạp chí Nhà Quản Lý tổ chức vào ngày 6/1/2017.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng chủ trì Hội thảo.

Khơi thông dòng chảy

Tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cùng đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ Trưởng Bộ NN&PTNT; đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh; ông Lê Thành, Viện Trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ. Cùng tham dự còn có đại điện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các nhà khoa học, các cơ quan báo chí.

Có thể nói, Việt Nam sở hữu điều kiện khí hậu – thổ nhưỡng thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Diện tích thu hoạch toàn quốc cho các sản phẩm rau quả là 1,6 triệu hecta. Bên cạnh đó, 46,3% dân số Việt Nam (52,9 triệu người) đang làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, cao hơn mức trung bình của thế giới là 30,7%. Tuy nhiên hiện tại chỉ có 145 doanh nghiệp chế biến rau quả tại Việt Nam, chiếm 2,19% trong số các DN đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Công suất trung bình đạt 826,630 tấn/năm trong khi tổng sản xuất rau quả tươi đạt 22,1 triệu tấn/năm. Mức độ chế biến trong ngành công nghiệp rau quả chỉ là 4%, thấp hơn mức trung bình của thế giới.

Đề dẫn tại Hội thảo, đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh cũng thừa nhận: Hiện trên địa bàn tỉnh, số lượng sản phẩm nông nghiệp đạt tiêu chuẩn, chất lượng còn hạn chế, sản lượng xuất khẩu còn ít, nhất là vào thị trường có yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng cao như Nhật, Hàn Quốc, Châu Âu, Hoa Kỳ… Do lối canh tác truyền thống theo hộ nông dân hoặc tổ hợp tác nhỏ lẻ nên sản xuất vừa manh mún vừa thiếu đồng bộ, chất lượng sản phẩm hàng hóa không đồng nhất, sức cạnh tranh thấp, thị trường tiêu thụ không ổn định, nông dân thu nhập thấp.

Năm 2015, tổng giá trị sản phẩm của ngành nông nghiệp chiếm 28% tổng sản phẩm của cả tỉnh với kim ngạch xuất khẩu nông, lâm sản chiếm gần 20% kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh; giá trị sản phẩm bình quân đất trồng trọt thu được khoảng 85,5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, phần lớn các nông sản phẩm của tỉnh tiêu thụ chủ yếu và chế biến ở dạng thô, không có thị trường ổn định và phần lớn chưa gắn với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa của quốc gia và quốc tế, chuỗi giá trị một số ngành hàng chưa phát triển. Đây chính là những nguyên nhân chủ yếu làm cho doanh thu và giá trị lợi nhuận trên đơn vị diện tích còn thấp, sản xuất và thị trường không ổn định, hiệu quả kém, phát triển nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh.

Trước yêu cầu cấp thiết phải đưa nền nông nghiệp chuyển dịch lên nền sản xuất hiện đại, an toàn, hiệu quả và bền vững, Hội thảo tập trung vào một số nội dung chính: Những chủ trương lớn để tái cấu trúc nền nông nghiệp hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới theo hướng phát triển chuỗi giá trị; Phát triển công nghệ đảm bảo chất lượng sản phẩm và đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao; Phát triển kênh phân phối nông sản vào thị trường quốc tế và nội địa; Giải pháp tài chính và các nguồn nhân lực đầu tư vào chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao.

Ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ sau khi giới thiệu Mô hình Chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường thế giới thực hiện tại Tây Ninh đã thể hiện sự tâm huyết và quyết tâm trước Hội thảo: “Chúng tôi thực sự muốn cống hiến cho Tây Ninh, cho Việt Nam thông qua sự trải nghiệm, những công trình nghiên cứu và thực tiễn của chúng tôi để phát triển Mô hình Chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường thế giới và trong nước”.

Hội thảo đã chia ra thành các phiên với những nhóm nội dung như: chia sẻ kinh nghiệm làm thị trường; phát triển sản xuất với sự tham gia của người nông dân, hợp tác xã; đa dạng hóa các hình thức đầu tư để thu hút nguồn nhân lực xã hội, giải pháp tài chính cho các dự án, tín dụng cho chuỗi giá trị… với đại diện các doanh nghiệp trong nước, các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc…

Tiến vào biển lớn

Tây Ninh là tỉnh thuộc vùng Đông Nam bộ, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tiếp giáp với tỉnh Bình Dương, TP.HCM, Long An, Bình Phước và Vương quốc Campuchia, là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp, đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã khẳng định: Với thế mạnh phát triển ngành trồng trọt, quy mô diện tích và sản lượng, các loại cây trồng chính của tỉnh có thể xếp vào danh sách các sản phẩm chủ lực của cả nước và khu vực Đông Nam Bộ như cây khoai mì, mía, cao su, lúa; rau quả các loại; mãng cầu và một số cây ăn trái tiềm năng như chuối, xoài, bưởi, thơm… Tây Ninh hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh, Việt Nam là đất nước có đủ điều kiện để trờ thành quốc gia dẫn đầu khu vực và thế giới về phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Trong thời gian tới, tái cơ cấu nền nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, tạo ra những sản phẩm có chuỗi giá trị gia tăng cao có sức canh tranh quốc tế, nâng cao đời sống người dân nông thôn, đảm bảo nền nông nghiệp hàng hóa của nước ta có đủ thực lực để đứng vững và phát triển trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình đánh giá cao việc Tỉnh uỷ – UBND tỉnh Tây Ninh đã chủ động triển khai kịp thời chủ trương lớn của Đảng, Nhà Nước và Chính phủ về phát triển nông nghiệp, nông thôn; ban hành kịp thời các nghị quyết, chính sách về tái cơ cấu nông nghiệp trở thành mũi nhọn quan trọng của tỉnh theo hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao, chủ động hội nhập thị trường thế giới và trong nước. Để thực hiện chủ trương trên, Tây Ninh đã chủ động nghiên cứu, học tập các mô hình trên thế giới và trong nước; tổ chức nghiên cứu thị trường, quảng bá và tiếp thị ra quốc tế cho nông sản của tỉnh một cách bài bản, hiệu quả; liên kết các kênh phân phối nội địa có uy tín để tìm đầu ra cho nông sản. Từ đó, Tây Ninh đã bước đầu thu hút được nhiều nguồn lực lớn trong nước và quốc tế tham gia đầu tư, tài trợ, chuyển giao công nghệ để phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp Tây Ninh bền vững.

Để “Phát triển Chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh” có kết quả cần thực hiện đồng bộ từ quy hoạch phát triển ngành hàng, xây dựng chuỗi liên kết sản xuất từ cung ứng đầu vào, tổ chức sản xuất, chế biến, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đảm bảo vốn, lao động, ứng dụng khoa học và công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất, dịch vụ logistic…Trong đó, doanh nghiệp có vai trò quan trọng đảm bảo sự hoạt động của toàn chuỗi giá trị.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình cũng tin tưởng rằng, sau 05 năm triển khai “mô hình kinh tế” nông nghiệp theo hướng phát triển chuỗi giá trị hội nhập sâu rộng thị trường thế giới thì GDP của nông nghiệp tỉnh Tây Ninh cán mốc 8 tỷ đô la và thu nhập nông dân từ 1,5 nghìn đô la/năm thành 5 nghìn đô la/ năm là không quá xa vời. Chính vì vậy, việc Tây Ninh đăng ký trở thành nơi làm điểm mô kinh tế nông nghiệp bền vững này là có cơ sở. Được biết, hiện nay các nhà đầu tư lớn quốc tế, trong nước đã đăng ký đầu tư vào các khâu trong chuỗi giá trị phát triển nông nghiệp, đó là một điểm sáng đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, để có thể đạt được kỳ vọng những con số trên, đồng chí Nguyễn Văn Bình đề nghị, Bộ NN&PTNT có cơ chế, chính sách, hỗ trợ Tây Ninh thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế sản xuất theo chuỗi giá trị; Ngân hàng Nhà nước có chính sách đảm bảo vốn và vay vốn ưu đãi theo các đề án được phê duyệt; Các Bộ ngành khác chung sức hỗ trợ Tỉnh uỷ – UBND tỉnh Tây Ninh xây dựng mô hình điểm phát triển kinh tế nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở mô hình điểm sẽ trở thành nơi chia sẻ thông tin, kiến thức, kinh nghiệm để nhân rộng mô hình trong cả nước.

Đề nghị Bộ NN&PTNT, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Tạp chí Nhà Quản Lý tiếp tục nghiên cứu, mở rộng hợp tác hơn nữa với các tổ chức quốc tế để xây dựng chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam hội nhập vào các thị trường lớn của thế giới; tổ chức truyền thông hiệu quả, thu hút thêm nguồn lực đầu tư để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp đến các địa phương khác trong cả nước.

Cũng tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình chứng kiến Ban tổ chức đã công bố các hợp đồng xuất khẩu ra thị trường Châu Mỹ, Châu Á, Châu Âu và hợp đồng nội địa; trao chủ trương đầu tư nhà máy chế biến cho Công ty Lavifood và công bố chiến lược phát triển hệ thống 5 nhà máy; trao chủ trương đầu tư trung tâm hỗ trợ kỹ thuật và thu mua nông sản và hệ thống chợ đầu mối cho Công ty Kết nối Xanh; trao chủ trương đầu tư chương trình đào tạo công nhân kỹ sư nông nghiệp theo tiêu chuẩn Nhật Bản của Công ty DIK do Tập đoàn Daiki đầu tư; trao quyết định đồng ý chủ trương về việc hợp tác đầu tư vào chuỗi giá trị tại Tây Ninh (sản xuất, chế biến, du lịch nông nghiệp…) của Công ty Sunrise Orchards – Hoa Kỳ; công bố hợp tác xúc tiến tài trợ của Quỹ Khí hậu Xanh – Liên Hợp Quốc vào phát triển hệ thống chuỗi cung ứng lạnh cùng Tập đoàn United Technologies – Carrier – Hoa Kỳ; ký kết hợp tác với Công ty Kiag của CHLB Đức về xây dựng hệ thống công nghệ quản trị chuỗi giá trị; ký kết hợp tác phát triển ứng dụng tiêu chuẩn GlobalGAP và Organic tại Tây Ninh với Control Union Vietnam; ký kết hợp tác với Viện Rodale của Hoa Kỳ về ứng dụng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Tây Ninh; kết nối 10.000 ha tham gia sản xuất cung ứng cho chuỗi giá trị của các Hợp tác xã, nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp; ký kết hợp tác với Quỹ đầu tư Daiwa của Nhật về việc phát triển sản xuất, chế biến nông sản trong chuỗi giá trị.

Nguồn: Trang Kinh Tế Trung Ương.