Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp

Chiều 11/7, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã có cuộc làm việc với đoàn doanh nghiệp của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC) do ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành Khu vực của USABC làm Trưởng đoàn.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (thứ hai từ phải sang) và ông Michael Michalak, Phó Chủ tịch cấp cao kiêm Giám đốc Điều hành Khu vực của USABC (thứ hai từ trái sang)-Ảnh: Hoàng Anh

Việt Nam tích cực cải thiện môi trường kinh doanh

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng chúc mừng những thành công của doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam thời gian qua và nhấn mạnh quyết tâm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là xây dựng Chính phủ kiến tạo, liên chính, hành động và phục vụ. Hiện Việt Nam đang tích cực cải thiện môi trường kinh doanh, hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh để tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó có nhà đầu tư Hoa Kỳ.

Thay mặt các doanh nghiệp Hoa Kỳ, ông Michael Michalak cho biết, các doanh nghiệp Hoa Kỳ bày tỏ vinh dự được gặp Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, đồng thời đánh giá Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Hiện đã có nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư thành công ở Việt Nam. Đoàn doanh nghiệp lần này của USABC có 9 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, có doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam từ lâu, nhưng cũng có doanh nghiệp mới vào Việt Nam gần đây.

Phát biểu tại cuộc làm việc, đại diện các doanh nghiệp Hoa Kỳ đều đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã có sự cải thiện rõ rệt thời gian qua, trong đó có việc đề cao tính cạnh tranh. Các doanh nghiệp trong đoàn bày tỏ mong muốn đầu tư hoặc mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực sản xuất và phân phối thức ăn chăn nuôi, chế biến thực phẩm, sản xuất thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật…

Đánh giá cao các nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm đầu tư vào nhiều lĩnh vực tại Việt Nam, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, quan hệ song phương hai nước đang phát triển tốt đẹp, hai nước đang cố gắng cân bằng cán cân thương mại, tạo cơ hội thuận lợi để cùng nhau phát triển.

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp có vai trò quan trọng thúc đẩy sản xuất hàng hoá nông nghiệp, tăng khả năng cạnh tranh nông sản Việt Nam. Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực nông nghiệp, như sửa đổi Luật Chuyển giao công nghệ (2017), Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, không phân biệt doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, liên kết với các doanh nghiệp khác và người dân theo chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ nông sản.

Theo Chương trình công tác của Chính phủ, từ nay đến cuối năm 2018, VPCP sẽ tiến hành thẩm tra một số dự án Luật và Nghị định do Bộ NN&PTNT được giao chủ trì xây dựng, trình Quốc hội, Chính phủ phê duyệt, trong đó có: Dự án Luật Chăn nuôi, Luật Trồng trọt, Nghị định sửa đổi, bổi sung các Nghị định quy định điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp; Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật lâm nghiệp; Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuỷ sản (sửa đổi).

Về một số khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Hoa Kỳ, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng ghi nhận kiến nghị và sẽ đề nghị Bộ NN&PTNT cũng như các Bộ, ngành liên quan có thông báo ý kiến chính thức bằng văn bản để doanh nghiệp biết.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng làm việc với
đoàn doanh nghiệp của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho biết sáng mai (12/7), Tổ công tác của Thủ tướng sẽ tiến hành kiểm tra 17 Bộ trong việc thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất nhập khẩu và việc đơn giản hoá, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Do đó, những kiến nghị của doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng sẽ được Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP đặt câu hỏi trực tiếp đến các Bộ, ngành.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh luôn sẵn sàng lắng nghe những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp. Hiện nay, VPCP đã xây dựng Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp (tại địa chỉ doanhnghiep.chinhphu.vn trên Cổng TTĐT Chính phủ), các doanh nghiệp có thể gửi kiến nghị của mình trực tiếp trên hệ thống này hoặc gửi văn bản đến VPCP, VPCP sẽ có trách nhiệm xử lý và trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, VPCP cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp trong việc thực hiện cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính.

Nhiều tiềm năng phát triển ngành rau củ quả chế biến

Tại buổi làm việc, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ (trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM) cho biết, hiện nay Việt Nam đang phát triển chuỗi giá trị rau củ quả hướng ra thị trường thế giới.

Ông Lê Thành phân tích: Hiện doanh thu của sản phẩm rau quả chế biến trên thế giới được dự đoán sẽ tăng đến 317,1 tỷ USD vào năm 2021. Tại Việt Nam, năm 2017, rau củ quả lập kỷ lục kim ngạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD, tăng hơn 43% so với năm 2016. Việt Nam lại có 14 triệu ha diện tích đất nông nghiệp. Đây là cơ hội rất lớn cho ngành rau củ quả Việt Nam tiếp cận ra thị trường thế giới.

Ông Lê Thành cũng nhấn mạnh tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm là một trong những vấn đề quan trọng nhất trên sân chơi thương mại thế giới. Hiện Viện Kiện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ đang kết hơp với các cơ quan chức năng phát triển ngành rau củ quả theo chuỗi giá trị.

Ông Thành phân tích: “Nông nghiệp công nghệ cao là một phương thức sản xuất chứ không phải mô hình kinh tế, nó phải gắn liền với chuỗi giá trị mới gọi là nông nghiệp công nghệ cao. Đơn cử như Lavifood đầu tư nhà máy ở Tây Ninh trị giá 75 triệu USD theo LEED-Silver do US. Green Building Council (USGBC) cấp dựa trên những tiêu chí thân thiện với môi trường; sở hữu toàn chuỗi giá trị: nhà máy chế biến cộng với nhà máy phân bón, nhà máy vật tư nông nghiệp, nhà máy logistic, và hàng chục nghìn nông dân tham gia”.

Người nông dân khi tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sẽ chịu sự ràng buộc, cam kết về mặt chất lượng sản phẩm. Khi tham gia vào chuỗi, người nông dân sẽ trở thành nhà cung ứng chứ không còn là hộ sản xuất nhỏ lẻ như trước đây. Họ được ưu đãi nhiều điều kiện, được đào tạo, trả lương trên chính mặt đất của mình.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT, Viện Kinh tế nông nghiệp hữu cơ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng hợp tác hơn nữa với các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp Hoa Kỳ nói riêng để xây dựng chiến lược phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam hội nhập vào các thị trường lớn của thế giới; thu hút thêm nguồn lực đầu tư để nhân rộng mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp đến các địa phương trong cả nước. Đồng thời, đề nghị USABC tiếp tục khuyến kích, hỗ trợ doanh nghiệp Hoa Kỳ sang Việt Nam tìm hiểu các cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Nhân dịp này, các nhà đầu tư Hoa Kỳ bày tỏ cảm ơn Chính phủ và các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp này mở rộng sản xuất, mạng lưới phân phối tại Việt Nam và cam kết tiếp tục tuân thủ pháp luật Việt Nam, thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội và các hoạt động cộng đồng.

Nguồn: Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

 

Bài viết liên quan