Nông nghiệp công nghệ cao là một chủ trương lớn của Đồng Tháp. Điều này được diễn giải như thế nào từ một cán bộ cơ sở?
Đang có những thay đổi ngoạn mục trong tư duy của nông dân Đồng Tháp.
“Ăn chắc mặc bền”, tư duy cổ xưa từ bao đời khiến nông dân cứ cố thủ kiểu làm ăn đơn độc, được thì nhờ, thất bại tự chịu. Đối với bộ phận nông dân này, chỉ có thể lấy hiệu quả sản xuất chung từ mô hình Hội quán để thuyết phục họ. Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng ấp Tân Dân (xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cũng là thành viên Thuận Tân hội quán, đã chia sẻ về cách thức “tuyên truyền, vận động” nông dân tham gia mô hình sản xuất giàu hàm lượng công nghệ.
Với vai trò là một Trưởng ban Nhân dân ấp – Trưởng ấp, ông đã viết đơn xin tham gia sinh hoạt tại Thuận Tân hội quán với tâm thế của một cán bộ cơ sở làm gương cho một chủ trương chung?

Lúc đầu mình chưa được tường tận lắm hiệu quả của mô hình sản xuất nên cũng ít nhiều có băn khoăn chứ. Nhưng rồi mình tìm hiểu sâu hơn về hiệu quả các ứng dụng khoa học kỹ thuật của các mô hình bạn, các vùng, miền khác; tìm hiểu thêm về các quy luật thị trường, về mục tiêu của Hội quán, về người tiêu dùng thông minh. Sau khi tự làm rõ các thắc mắc, tham khảo ý kiến nhiều người, so sánh hiệu quả và tính bền vững rồi thì mình mạnh tay làm đơn xin tham gia thôi chứ đâu phải làm gương mẫu hay đầu tàu. Mình gương mẫu mà gia đình mình “chết” thì chắc không ai mê cái thành tích đó.
Còn với những nông dân khác ông sẽ thuyết phục họ theo hướng nào?
Trước hết mình phải làm cho nông dân có một phép so sánh thực tế. Nếu sản xuất theo kiểu cổ điển, mạnh ai nấy làm, giữ bí quyết riêng thì khi được mùa phải đối mặt với thất giá, đó là chuyện lâu nay. Ngược lại khi nông dân cởi mở, thì cùng bàn bạc với nhiều nông dân khác, giúp nhau cùng nhận ra các ưu thế của cách làm ăn chung lưng đấu cật. Thí dụ như cùng mua vật tư đầu vào với số lượng lớn để được hưởng hình thức phân phối theo giá sỉ; cùng chia sẻ kinh nghiệm để áp dụng các phương pháp canh tác, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sao cho vừa đủ, phù hợp để tăng hiệu quả, vừa giảm nguy cơ dịch bệnh do sử dụng phân bón, nông dược không đúng với nhu cầu cây trồng…
Các lợi ích vừa nêu có vai trò góp phần giảm chi phí đầu vào. Lợi ích kép nữa là chăm bón đúng sẽ giúp cây trồng khỏe. Rồi khi cây trồng khỏe sẽ cho sản phẩm tốt và sạch vì không mang dư lượng độc chất bảo vệ thực vật. Cùng thổ nhưỡng, cùng phương thức canh tác giúp chất lượng đồng nhất. Đây là cơ sở đặc biệt quan trọng để nông dân tiếp cận, đàm phán với những khách hàng lớn. Miếng bánh lớn hơn được chia công bằng khuyến khích nông dân tự nguyện gia nhập hội quán.
Những cách làm có tính chất khoa học hơn sản xuất truyền thống đôi chút như ông vừa nói thì có gì để gọi là ứng dụng công nghệ?
Có chứ. Khi nông dân mua phân bón, nông dược khối lượng lớn, do mua chung có thể chỉ cần gọi điện thoại, trình bày yêu cầu là đại lý sẽ vận chuyển tận nơi để giao hàng. Các phương thức chăm bón cây trồng khi đó có thể áp dụng theo hình thức tưới tự động, phun xịt thuốc điều khiển từ xa, tiết kiệm được chi phí nhân công, an toàn cho sức khỏe. Người này làm thấy tiện lợi người khác sẽ làm theo.
Tuy vậy vẫn còn một số ít nông dân chưa nhạy bén, năng lực tài chính kém hoặc còn bảo thủ với cách làm ăn kiểu đèn nhà ai nấy sáng, thì cần thiết phải thuyết phục họ bằng hiệu quả rõ rệt từ các mô hình. Song song đó, thông qua những cuộc trao đổi trà dư tửu hậu, thành viên hội quán có thể khoe với họ về hiệu quả sản xuất chung, khối lượng sản phẩm lớn, giá bán có thể cao hơn. Đây là bằng chứng thuyết phục nhất để thu hút họ.
Nếu nói với nông dân về công nghệ cao một cách vắn tắt, ông sẽ ưu tiên nói gì?
Nông nghiệp công nghệ cao là các phương thức sản xuất mà khi ứng dụng vào thực tiễn sẽ giúp nông dân tăng hiệu quả đầu tư. Tuy nhiên, để hiểu và tiếp cận được công nghệ này, nông dân cần phải có nền tảng nhận thức nhất định, có khả năng tiếp cận các phương thức sản xuất phù hợp với khả năng vận hành, khai thác tối đa hiệu quả và an toàn trong quá trình quản lý khai thác. Trong tiêu thụ sản phẩm, nông dân cần biết tra cứu thông tin thị trường, nghiên cứu yếu tố mùa vụ trên phạm vi rộng; tìm hiểu, tham khảo các chuỗi cung ứng, phân phối sản phẩm và nhu cầu tiêu dùng theo các đặc điểm vùng, miền; đô thị hay nông thôn; theo các dịp lễ tết; theo vùng dân tộc. Nói chung nông dân giờ đã rất nhanh nhạy, họ có thể tìm hiểu khoa học qua tài liệu, qua điện thoại thông minh, truyền thông và áp dụng rất hiệu quả.
Nói thì nghe dễ, nhưng thực tế có đơn giản, thưa ông?
Lĩnh vực nào cũng vậy, quá trình nghiên cứu luôn đơn giản hơn ứng dụng thực tế. Trước mắt cái gì dễ làm trước. Thí dụ như phải bỏ hẳn tư duy canh tác vô trách nhiệm theo kiểu rau 2 luống, heo 2 chuồng. Nếu nông dân nào cũng làm như vậy thì cùng hứa hẹn dắt tay nhau vào bệnh viện. Sản phẩm làm ra trong toàn hội quán phải được kiểm soát chéo để đạt một chuẩn sản phẩm giống nhau. Đầu mùa sản xuất phải tập trung thành viên hội quán lại mời doanh nghiệp hay hợp tác xã mua đến thông báo sản lượng đặt hàng, thời điểm giao hàng, giá bao tiêu… Nông dân trực tiếp ký hợp đồng với đơn vị mua. Còn những việc khó hơn nông dân sẽ làm quen dần.
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý (Mậu Tuất 2018).