Chỉ nhìn những ngôi nhà gạch khang trang san sát dọc con đường Sa Nhiên – Cai Dao chạy xuyên làng hoa Sa Đéc là phần nào đoán được người trồng hoa sống khỏe với nghề.
Căn nhà ông Chín Tài, 54 tuổi, (ấp Tân Hiệp, xã Tân Quy Đông) nhìn ra khu vườn rộng hơn 3 công đất (1 công = 1.000m2). Chậu sắp hàng trên giàn. “Năm nay khan hoa”, ông Chín cho biết sương muối làm cháy lá. Nhiều loại hoa giao tại vườn tăng giá khoảng 30% so với năm rồi. Còn cả tháng mới Tết nhưng cánh thương lái điện thoại tối ngày sáng đêm.
Nghề trồng hoa kiểng truyền đến ông Chín Tài là thế hệ thứ hai. Lên lớp 5, cậu bé Tài đã biết phụ cha phụ mẹ. Tuy nhiên, sản lượng trong ký ức thơ ấu không nhiều. Cuối năm, số người trong làng xếp chậu đầy ghe bầu đưa đi các tỉnh đếm trên đầu ngón tay.
Nghề trồng hoa kiểng ở Sa Đéc được cho là khởi nguồn từ vườn hồng Tư Tôn. Một người bạn qua Pháp mua máy móc mang về cho ông Tư Tôn 100 cây giống. Thời hoàng kim của vườn hồng Tư Tôn là những năm đầu thập niên 1970. Thành công về giá trị thương mại truyền cảm hứng cho cộng đồng. Trồng hoa kiểng trở thành nghề mưu sinh. Dù khu vườn của “tổ nghề” không còn được thế hệ tiếp theo kế thừa nhưng cái nghề làm đẹp cho đời lan tỏa ngày càng rộng, vượt ra khỏi ranh giới hành chính, chẳng hạn như huyện Lấp Vò. Từ chỗ kiếm cơm, trồng hoa chuyển sang làm giàu. Theo số liệu từ UBND thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) hiện có hơn 2.000 hộ trồng hoa, canh tác trên diện tích khoảng 500ha. Thành phố có chương trình khuyến khích nông dân chuyển đổi từ đất lúa sang trồng hoa. Dự kiến đến năm 2020 là 700ha và đến 2030 là 1.500ha. Chính sách dễ đạt được sự đồng thuận từ phía người dân khi mà lợi ích cộng đồng được cải thiện. Bằng chứng là con đường Sa Nhiên – Cai Dao mà dân hiến đất mở rộng. Đường mới, đi lại thuận tiện. Xe chuyên chở vào tận giàn lấy hoa. Dọc cung đường mới lác đác những tấm biển bán đất, chào giá 2 tỉ đồng/công, gấp khoảng 4-5 lần so với trước kia. Hạ tầng tạo ra địa tô chênh lệch. Xong đường, nhà nước tiếp tục đầu tư chi phí nạo vét con rạch, kè bê tông, dẫn nước sông Tiền phục vụ sản xuất. “Có nó đỡ ghê lắm”, ông Chín Tài nói về nỗi ám ảnh thiếu nước cữ tháng 2, tháng 3 âm lịch.
Nền “kinh tế hoa” mang lại nhiều khởi sắc cho Sa Đéc.
Nông nghiệp truyền thống gắn với điều kiện thổ nhưỡng. Những đặc sản địa phương thông thường hình thành trên nền tảng tài nguyên bản địa. Muối Gành Hào, khô sặc Cà Mau, mắm Châu Đốc… nhưng cũng không hiếm trường hợp mà bất lợi thế lại trở thành động lực. Những tín đồ của ẩm thực chay nên một lần ngược về chân cầu Cần Thơ, tìm đò qua xã Mỹ Hòa (huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long), thưởng thức tàu hũ ki (váng đậu) tươi. Xé “lớp áo vàng hươm” vừa ráo nước, nóng hôi hổi, chấm tương ớt, vừa thổi vừa ăn đến đẫy cái bụng mà cái miệng còn thòm thèm. Tổ nghề là hai anh em người Hoa phiêu dạt sang Việt Nam đã gần thế kỷ. Cái nghề vẫn thịnh một phần là bởi dải đất kẹp giữa sông Hậu và sông Cái Vồn nhiễm nặng phèn. Nuôi cá không được. Trồng lúa không được. Người dân giữ cái nghề mà sống.
Đương nhiên, làm tàu hũ ki lợi nhuận không bằng hoa kiểng. Theo ông Chín Tài, đất Sa Đéc trồng trái cây không bằng những nơi khác cả về năng suất và chất lượng. Mần lúa lời lãi chẳng bao nhiêu. Một công đất lúa mỗi vụ lời 2 triệu bạc đã là nhiều. “Còn mần hoa thì sống được”, ông Chín Tài dè dặt. Chữ “được” này, muốn hiểu sao thì hiểu. Theo ông Võ Thanh Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc, trên địa bàn thành phố có 14 chi nhánh ngân hàng và 2 hợp tác xã tín dụng. “Một ngân hàng bình thường huy động khoảng 1.000 tỉ đồng/năm, tỷ lệ cho vay ra khoảng 70%”, ông Tùng không bóc tách tiền gửi từ dân làng hoa. Anh bạn thổ địa mách như thách đố: “Muốn biết thì chừng tuần lễ trước Tết Nguyên đán ra ngân hàng ngồi nửa buổi, xem bà con xách bịch đi gửi rào rào”. Nhưng chỉ nhìn những ngôi nhà gạch khang trang san sát dọc con đường Sa Nhiên – Cai Dao chạy xuyên làng hoa Sa Đéc là phần nào đoán được người trồng hoa sống khỏe với nghề.
Làng hoa Sa Đéc hối hả chuẩn bị cho vụ hoa Tết.
Nhà vườn lớn nhất làng hoa là “khu 5,7 hécta” như cách gọi của dân địa phương. Vắng bóng các công trình xây dựng dân dụng là cơ sở để mô hình liên kết duy nhất tại làng hoa theo hình thức tổ hợp tác hình thành với sự tham gia của 9 nông hộ.Trong số này có 6 anh em ruột nhà ông Hai Cao, sở hữu hơn phân nửa khu đất. Ông Hai Cao cũng là tổ trưởng tổ hợp tác. Theo ông, ba năm liên kết là quãng thời gian tương đối để đánh giá hiệu quả của mô hình. Sản xuất quy mô giúp tổ hợp tác đủ năng lực tiếp nhận được những đơn hàng lớn, mà nếu làm ăn cá thể thì khó thể đáp ứng. Chi phí nhân lực cũng giảm đáng kể nhờ trang bị hệ thống tưới tự động, hiện đã bao quát được khoảng 70% diện tích canh tác. Chỉ một căn nhà chưa hoàn công, ông Hai Cao cho biết chuẩn bị hạ tầng phục vụ khách du lịch.
Phát triển du lịch theo hình thức homestay là một trong những khuyến nghị của công ty tư vấn Pháp, thực hiện quy hoạch Sa Đéc thành đô thị kiểu mẫu mang dấu ấn Pháp xưa. Cũng theo bản quy hoạch này, đô thị sẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thương mại – dịch vụ. Theo ông Võ Thanh Tùng, năm 2017, Sa Đéc đón hơn 300 ngàn lượt khách du lịch, trong đó có 46.000 khách du lịch quốc tế. Trong năm này, thành phố mọc lên thêm 4 khách sạn 1 sao, 16 nhà nghỉ và 61 nhà trọ. Đáng chú ý nhất là dự án khách sạn 5 sao quy mô 200 phòng mà chính quyền đã hoàn tất thủ tục giao đất (1,7ha) cho nhà đầu tư.
Dấu ấn kiến trúc thuộc địa còn khá rõ nét ở Sa Đéc. Đấy là dãy phố trên đường Nguyễn Huệ cặp theo bờ sông. Là ngôi nhà cổ Huỳnh Thủy Lê hơn trăm năm tuổi gắn với mối tình giữa nữ văn sĩ Marguerite Duras và thương nhân Huỳnh Thủy Lê. Thương nhân gốc Hoa này là nguyên mẫu trong tiểu thuyết Người tình mà Duras là tác giả. Tiểu thuyết sau này được chuyển thể thành phim điện ảnh. Cũng khá lạ lùng là đô thị này đi qua chiến tranh khá nguyên vẹn nhìn từ khía cạnh bảo tồn di sản. Những người có đức tin bảo rằng Sa Đéc là đất Phật. Chưa tính các cơ sở thờ tự khác, chia bình quân thì cứ khoảng một cây số vuông có một ngôi chùa (54 chùa/diện tích 60km2).
Sa Đéc đang trên đường hướng tới mục tiêu định vị thành đô thị hoa mang bản sắc miền sông nước, trở thành địa chỉ thứ hai trên cả nước tổ chức festival hoa. Chính quyền và người dân còn nhiều việc phải làm. Một trong những nhiệm vụ dài hơi là xây dựng văn hóa hoa mà ông Tùng thừa nhận rằng có thể dài hơn nhiều nhiệm kỳ của mình. Bắt đầu từ đâu? Từ những bà, những chị đi chợ hằng ngày, bên cạnh hành tiêu tỏi ớt có thêm một nhành hoa. Từ thanh niên hình thành thói quen trong những dịp lễ trọng. Từ việc giữ gìn những công trình công cộng do nhà nước đầu tư. Từ những gia đình chủ động trồng hoa trước cửa nhà mình…
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý (Mậu Tuất 2018).