Nhà nghiên cứu Lương Việt Quốc một thời từng nổi danh là “cậu bé bên dòng kênh Thị Nghè” với tám học bổng thạc sĩ tại Hoa Kỳ, giờ đang trong một dự án về công nghệ cao cho nông nghiệp tại Việt Nam trên cánh đồng quy mô lớn.
Lương Việt Quốc là cựu du học sinh Fulbright tại Hoa Kỳ, với luận án tốt nghiệp thạc sĩ về ngành cà phê tại Việt Nam. Luận án đã giúp anh tiếp tục nhận được 8 học bổng về tiến sĩ tại Hoa Kỳ. Hiện nay anh sống tại Hoa Kỳ và Việt Nam, đang thực hiện một dự án starup về công nghệ cao hỗ trợ chẩn đoán bệnh trên cây nông nghiệp ở cánh đồng quy mô lớn bằng thiết bị bay.
Đi cùng với giấc mơ nông nghiệp công nghệ cao mà Chính phủ Việt Nam thường xuyên nói tới trong năm qua, Lương Việt Quốc cùng Tạp chí Nhà Quản Lý phân tích một số khía cạnh của vấn đề này.
Chính phủ Việt Nam chọn nông nghiệp công nghệ cao, chất lượng cao là một mũi nhọn quan trọng của nền kinh tế, anh nhìn nhận bức tranh này hiện tại như thế nào?
Việt Nam có một vấn đề cơ bản chưa giải quyết được, đó là người tiêu dùng thiếu sản phẩm an toàn và chất lượng để mua, dù sẵn sàng trả giá cao. Còn người nông dân không biết sản xuất mặt hàng gì, cách như thế nào để đem lại nguồn thu nhập ổn định. Dù họ có cố trồng hữu cơ, sẵn sàng tự ngắt từ luống và ăn trực tiếp đi, nhưng không đủ sức thuyết phục, chứng minh cho người tiêu dùng tin đó là đó là rau sạch, an toàn.
Dù cho một số doanh nghiệp có những chứng chỉ như Organic, Non-GMO… chưa hẳn người tiêu dùng đã tin. Vấn đề ở Việt Nam khá giống Trung Quốc. Ở Trung Quốc, khi người ta đi phỏng vấn người tiêu dùng có tin vào các chứng chỉ sản phẩm không thì quá nửa là không tin.
Vậy nếu theo chủ trương của Việt Nam, chọn nông nghiệp chất lượng cao là một mũi nhọn phát triển, thì làm sao xử lý được khoảng chênh này?
Một mô hình thành công ở Trung Quốc, khá tương đồng với điều kiện ở Việt Nam, đó là khởi nguồn từ các doanh nghiệp chế biến. Nó tạo ra một chuỗi giá trị, giải quyết được hai việc: làm cho cái bánh lớn hơn, và chi phí làm ra cái bánh nhỏ hơn.
Làm sao để làm cái bánh lớn hơn?
Các doanh nghiệp chế biến lớn có khả năng nghiên cứu thị trường, biết sản phẩm nào bán được ở đâu. Họ có thể tiếp xúc với các chuỗi siêu thị lớn như Walmart và xác định được mặt hàng dừa, chế biến ra sao, xoài chế biến đóng hộp thế nào, hàng năm có thể đáp ứng được siêu thị đó bao nhiêu. Họ hiểu được thị trường, sản phẩm nào, bán ở đâu, quy mô thế nào.
Thứ hai là họ có khả năng thuyết phục được thị trường rằng đây là sản phẩm chất lượng cao. Họ sẽ làm ra các chứng chỉ. Hoặc họ có thể làm chứng chỉ có sự tham dự của người tiêu dùng. Ví dụ như Consumer Report của Mỹ là một tạp chí khách quan, nó đánh giá đủ các mặt hàng từ nông nghiệp đến xe hơi.
Thứ ba, là họ sử dụng thị trường xuất khẩu như một chứng chỉ. Giả sử ta có sản phẩm xuất khẩu sang Nhật, đã bày bán trên kệ hàng của Nhật thì cũng sản phẩm từ dây chuyền đó, ta bán trong nước, để người Việt Nam cũng mua được sản phẩm đạt chất lượng. Tất cả những điều này, từng người nông dân làm không được. Nhưng doanh nghiệp chế biến lớn đứng đầu chuỗi giá trị có thể đủ sức làm việc đó và thuyết phục người tiêu dùng trả phí cao hơn, “cái bánh” lớn hơn là vậy.
Vậy, làm sao để chi phí sản xuất “cái bánh” thấp hơn, như anh đề cập ở trên?
Doanh nghiệp đứng đầu chuỗi giá trị có khả năng thực hiện nghiên cứu để tìm ra giống mới, phương pháp canh tác tối ưu, phân bón tốt hơn. Họ có khả năng mua vật tư nông nghiệp với giá rẻ hơn. Từng người nông dân thì mua lẻ, và không biết phân bón nào là thật là giả. Nhưng một doanh nghiệp khổng lồ có sức mạnh thương lượng, mua sỉ và có sẵn quy trình canh tác chuẩn. Những tiết kiệm đó có thể chuyển xuống cho nông dân. Quan hệ doanh nghiệp chế biến với nông dân sẽ hình thành mối hợp tác, gọi là “contract farming” – liên kết sản xuất theo hợp đồng.
Vậy vai trò của nhà nước sẽ ở đâu trong bức tranh này của nền nông nghiệp, khi doanh nghiệp chế biến lớn chủ động bắt đầu cuộc chơi quốc gia?
Hãy tưởng tượng, nếu người nông dân canh tác theo cách cũ, phun thuốc trừ sâu thì môi trường đời sống độc hại, bệnh tật, ảnh hưởng tới du lịch địa phương. Ta đi về miền Tây thấy chỗ nào nông dân trồng rau xong họ ngắt về nhà ăn được ngay vì trồng hữu cơ, thì ta sẽ thích đến hơn so với nơi nào người ta phun thuốc trừ sâu nhiều.
Những lợi ích gián tiếp đó cho xã hội, nông dân không được hưởng dù họ chuyển qua làm hữu cơ. Doanh nghiệp chế biến đó cũng không được hưởng. Trong kinh tế gọi là positive externality (nhân tố ngoại lai tích cực). Dẫn đến, mọi người chỉ đầu tư tối ưu theo những cái gì thị trường muốn mua thôi. Giờ giả sử nhà nước trả thêm cho nông dân khi họ chuyển qua sản xuất an toàn hoặc hữu cơ, ví dụ một mùa thêm 1 -2 triệu đồng thì đương nhiên sẽ càng có nhiều nông dân muốn tham gia vào việc này hơn.
Vai trò của nhà nước là làm sao để đạt điểm tối ưu đó cho xã hội. Nhà nước phải bù đắp phần lợi ích này, phải chi trả cho những người tạo ra nó, bằng cách giảm thuế, ưu đãi đất đai cho sản xuất an toàn, nếu nhà nước không có tiền chi trực tiếp. Từ đó sự chuyển đổi cơ cấu đạt tối ưu cho xã hội và diễn ra nhanh hơn. Còn nếu để thị trường tự làm hết thì nó không đạt được tối ưu về xã hội.
Anh nói về bức tranh sản xuất lớn trong nông nghiệp với nhiều hứa hẹn. Vậy những thứ này có nhược điểm không?
Khi thực hiện chuỗi này có hai thách thức lớn. Làm sao để sản xuất quymô lớn có thể tương thích trang trại quy mô nhỏ của nông dân.
Một số doanh nghiệp lớn như chuỗi siêu thị có thể yêu cầu làm lớn quy mô bằng cách nói với địa phương là họ cần 1.00 ha liền canh để làm vùng nguyên liệu, thì sẽ đáp ứng được sản xuất lớn, chi phí thấp. Nhưng nó có thể đẩy người nông dân ra khỏi mảnh đất của họ, hoặc là mua hoặc lấy lại quyền sử dụng đất. Và điều này sẽ gây ra xáo động xã hội về nhiều phương diện.
Cũng có một số cách làm, người ta vẫn tìm cách giữ cho nông dân có quyền sở hữu đất, doanh nghiệp thuê lại đất của nông dân, gom diện tích lại, canh tác trên quy mô lớn theo hai dạng. Hoặc doanh nghiệp tự canh tác, hoặc doanh nghiệp ký hợp đồng lại với các nhóm nông dân –trong một nhóm nông dân sẽ có những nông dân lãnh đạo rất giỏi, sẽ sản xuất theo hợp đồng với doanh nghiệp. Nông dân vẫn có quyền sở hữu, vẫn làm việc trên cánh đồng của họ, vẫn có thu nhập. Trung Quốc đã từng làm và có một số trường hợp thành công, có thể xuất khẩu sản phẩm qua Mỹ,Tây Âu.
Thách thức thứ hai là thực hiện sản xuất theo hợp đồng hiệu quả. Làm sao tránh được tình trạng phá vỡ hợp đồng như phá giá trong hợp đồng, bán lụi sản phẩm ra ngoài, phun xịt thuốc không theo quy định… Cái hại là phẩm chất lô hàng không đạt để bán sang nước ngoài sẽ gây thiệt hại vô cùng lớn cho cả doanh nghiệp.
Nhưng có vẻ như doanh nghiệp khởi nghiệp nông nghiệp ở Việt Nam đang bắt đầu với quy mô nhỏ hơn, nhắm tới nhóm tiêu dùng trung bình khá. Vậy đây có phải là một lối ra khác cho nông nghiệp Việt Nam không?
Cách làm đó cũng để giải bài toán cơ bản là thuyết phục người tiêu dùng tin tưởng khi họ đã chấp nhận trả giá cao hơn. Có một số nông dân muốn đi thẳng, tôi làm từ ruộng, tôi muốn bán thẳng, cũng được thôi, nhưng vẫn là phải giải quyết phần niềm tin đó.
Ví dụ một người nổi tiếng trên Facebook, giới thiệu họ có 2 ha trồng rau sạch, thì người hâm mộ tin và sẽ mua rau. Nhưng hãy hình dung làm sao để tăng quy mô đó lên? Nếu có nhiều nông dân khác đem rau tới, nói với người nổi tiếng đó, là họ giống như cái mộc chứng nhận chất lượng, nên muốn bán rau cho anh ta. Vậy khi đó làm sao người đó kiểm soát chất lượng các loại rau đó? Họ vẫn phải giải quyết bài toán kiểm soát chất lượng rau được bán cho họ.
Ở quy mô nhỏ, bạn chỉ có thể thuyết phục một mạng lưới nhỏ bằng uy tín cá nhân. Trong tổng thể nền nông nghiệp thì sao?
Nhà nước có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp ở các quy mô nhỏ này bằng cách cung cấp thông tin đầy đủ để chỉ dẫn họ nếu doanh nghiệp muốn xuất sản phẩm đi Mỹ, đi Nhật, các bước đăng ký, kiểm định, xuất hàng ra sao… còn để cho doanh nghiệp nhỏ tự bơi thì họ không đủ nguồn lực, mất rất nhiều thời gian và manh mún.
Tôi thấy ở Việt Nam mô hình của Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ là mô hình đi đúng hướng, là giải quyết bài toán cơ bản là làm cho cái bánh lớn hơn bằng cách thuyết phục người tiêu dùng, đồng thời hợp tác với nông dân để chia sẻ phần bánh lớn hơn và chi phí tiết kiệm được cho nông dân.
Xin cảm ơn anh!
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản lý (Mậu Tuất 2018)