“Nói thật, làm thật” trong quan hệ hợp tác nông nghiệp Việt Nam – Đài Loan

Được sự kết nối của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sunny World, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và đoàn doanh nghiệp Đài Loan đã có chuyến khảo sát, tìm cơ hội đầu tư tại Đồng Tháp, Tây Ninh và Lâm Đồng từ 14-18.6.2018. Thành quả ban đầu của chuyến khảo sát là những ký kết quan trọng, thiết thực trong lĩnh vực nông nghiệp giữa UBND tỉnh Đồng Tháp và đối tác Đài Loan.

Tại Hội nghị Xúc tiến Thương mại công nghệ và thu hút vốn phát triển hợp tác xã Việt Nam tại Hà Nội ngày 18.5.2018, ông Wu Ming Ming – Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan – cho biết trong vòng một tháng sẽ có một đoàn doanh nghiệp Đài Loan quay lại Việt Nam. Ông Wu giữ lời. Đi cùng ông là lãnh đạo doanh nghiệp trong khu vực nông nghiệp, nhà khoa học và một số nông dân trẻ ưu tú Đài Loan hoàn tất chương trình huấn luyện cấp chính phủ nhằm chuẩn bị thế hệ lãnh đạo nông nghiệp cho tương lai.

Nhắc lại cuộc thảo luận với ông Lê Thành – Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ và ông Vincent Trương – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sunny World sau sự kiện 18.5, ông Wu Ming Ming mượn hình ảnh “không cần đến tờ giấy” để hàm ý về sự tín nhiệm dành cho đối tác Việt Nam: “Chúng tôi có mặt ở đây để làm những việc thiết thực”.

Bày tỏ tâm nguyện hỗ trợ nông dân trẻ, ông Wu không giấu diếm tâm trạng khẩn trương khi hé lộ nhiệm kỳ chủ tịch ngân hàng của mình chỉ còn ba năm rưỡi. Cụ thể, ở khía cạnh tín dụng, ông Wu nhắc lại mong muốn cùng đối tác là Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn hỗ trợ nông dân Việt Nam tiếp cận vốn. Đành rằng mỗi quốc gia có chính sách riêng nhưng ông Wu chia sẻ mối quan tâm dành cho khu vực rau củ quả, ngũ cốc và hoa. Ông thừa nhận nhìn thấy nhiều cơ hội hợp tác ở Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh… nhằm nâng cấp, mở rộng chuỗi giá trị nông sản.

“Sau khi ghé thăm vườn khóm, một giáo sư trong đoàn chúng tôi nói rằng vẫn còn nhiều dư địa để cải thiện năng suất. Khâu chế biến cũng vậy, chẳng hạn như tận dụng phế phẩm vỏ trái cây làm phân bón hữu cơ”, ông Wu dẫn chứng. Giáo sư Huang Yuh-Ming – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp bền vững Trung Hoa, xác nhận so với phân bón hóa học, ngành phân bón hữu cơ có giá trị cao hơn phân bón hóa học Thật may, trong khán phòng có sự hiện diện của đại diện Đạm Cà Mau.

Nhìn lại lộ trình 4 ngày rong ruổi cùng nhau, ông Lê Thành xác nhận có những kết quả không hiển thị trên trang giấy hay những biên bản ký kết. Qua hình ảnh những giáo sư đi lấy mẫu nước, mẫu cây…, ông Thành nhìn thấy cơ hội mở ra chương trình lớn về trao đổi chuyên gia, hợp tác đào tạo bằng “sự lần lượt ra đời” của thành lập trung tâm chuyển giao công nghệ, trung tâm dạy nghề, viện giống…

Ông trân trọng những ý kiến quý báu từ những doanh nhân trẻ, những nông dân ưu tú Đài Loan đóng góp giải pháp kỹ thuật, cải thiện vùng trồng, quy hoạch tổng kho, trung tâm thương mại nông thôn… Nhắc đến những trí thức trẻ Việt Nam, sau nhiều năm du học tại nước ngoài, quay về khởi nghiệp “xanh” trên quê hương Việt Nam, ông Thành đề cập đến cơ hội hợp tác, chia sẻ, giao lưu của lực lượng này với những nông dân trẻ ưu tú Đài Loan. Xây dựng mối quan hệ tốt này mở ra cơ hội để những nông dân trẻ Việt Nam tiếp cận rõ nét nhất, đầy đủ nhất chương trình huấn luyện nông dân trẻ ưu tú.

Việt Nam và Đài Loan đang cùng đối mặt với thách thức là thiếu hụt lao động trẻ có tri thức trong lĩnh vực nông nghiệp. Giải pháp của Đài Loan từ cấp chính phủ với chương trình huấn luyện nông dân trẻ ưu tú, nhằm chuẩn bị 30 ngàn nông dân ưu tú trong vòng 10 năm tới. Ở Việt Nam, giải pháp xuất hiện từ thị trường, chẳng hạn như chương trình Khởi nghiệp xanh trên quê hương Việt Nam công bố cách nay một tháng với khoản tài trợ giai đoạn 1 là 200 tỉ đồng từ Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần đầu tư Saigon Peninsula và một số đối tác. Hợp tác giữa thế hệ nông dân trẻ của hai nền kinh tế, tại sao không?

Thực tế từ chuyến khảo sát ghi nhận những diễn biến tích cực. Top 100 nông trẻ ưu tú lần 1 là Hsieh Fu Yu, chuyên sản xuất táo đỏ và dâu tây, chia sẻ “ý nguyện hợp tác” cùng một trang trại dâu tây tại Đà Lạt trong chuyến khảo sát vừa qua. Người phụ trách nông trại Cao Mei Da Ren này không giấu diếm tham vọng đưa trái dâu tây Việt Nam đến người tiêu dùng thế giới.

“Chúng ta đã thực sự hành động”, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam – nhận xét về nỗ lực làm việc khẩn trương của cả hai phía trong vòng một tháng qua. Theo ông Bảo, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đang khảo sát khoảng 200 mô hình trên cả nước, bám sát vào các sản phẩm chủ lực của địa phương cũng như của cả nước để xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị. Trong ba năm tới, liên minh sẽ triển khai thí điểm 500 mô hình.

Khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam xem nông nghiệp là ngành mũi nhọn (hiện chiếm khoảng 16% -18% GDP), ông Bảo cũng đề xuất hợp tác nông nghiệp đa diện với đối tác Đài Loan. Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ lai tạo con, cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phục vụ sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế; hợp tác ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị; đào tạo chuyên gia, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ khởi nghiệp nông nghiệp…

Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý.

Bài viết liên quan