Nơi Hạnh Phúc đâm chồi

Mỗi buổi sáng thứ hai, có một chàng trai chạy xe máy từ Hàng Xanh lên Củ Chi, sau đó bắt xe buýt đi Tây Ninh. Chàng trai ấy là Huỳnh Hạnh Phúc.

Những ngày cuối năm 2017, nhiều trường học ở Tây Ninh có sự xuất hiện của vị khách đặc biệt: Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang. Ông Quang không đến để làm việc với ban giám hiệu hoặc các giáo viên. Ông đến và nói chuyện bằng tiếng Anh với học sinh. Nghe các em nhỏ nói tiếng Anh lưu loát, vị lãnh đạo tỉnh không giấu được niềm vui: “Đó là kỳ tích với học trò vùng biên giới!”.

Ít ai biết rằng, để có được câu chuyện tuyệt vời và dễ thương đó là công việc thầm lặng của chàng trai Huỳnh Hạnh Phúc cùng các đồng sự tại Teach for Vietnam.

HẠNH PHÚC LÀ BÌNH ĐẲNG

Thâm trầm, thư sinh và yêu trẻ con là những gì dễ thấy nhất ở Huỳnh Hạnh Phúc. Chào đời ở tỉnh nhỏ miền Trung, học đại học nơi phố thị Sài Gòn rồi lấy bằng thạc sĩ tại nước Mỹ, Phúc nhận ra rằng: Ở đâu cũng có sự bất bình đẳng trong giáo dục.

Tại Việt Nam, học sinh vùng sâu luôn thiệt thòi và tụt hậu về giáo dục so với bạn bè thành phố. Thậm chí ngay trong một huyện, các địa phương cấp xã cũng chứa đầy sự bất bình đẳng trong giảng dạy và học tập. Định nghĩa về bất bình đẳng giáo dục ở đây gồm ba yếu tố: thiếu giáo viên, điều kiện sống khó khăn và chất lượng giáo viên không tốt. Làm cách nào xóa nhòa ranh giới bất bình đẳng ấy là câu hỏi luôn đau đáu tâm can các chuyên gia giáo dục và cả Phúc.

“Những ngày ở Mỹ du học, tôi có người bạn thân tham gia Teach For America. Tìm hiểu thêm, tôi biết nơi làm việc của bạn là đối tác của tổ chức Teach For All. Đó là tổ chức giáo dục phi lợi nhuận mà mục tiêu và cách thức hoạt động rất phù hợp với Việt Nam. Tôi quyết định thực hiện dự án này trên đất nước mình”, Huỳnh Hạnh Phúc tâm sự.

Về nước năm 2015, với bằng thạc sĩ từ hai đại học danh giá Missouri và Harvard, Phúc đi làm thuê kiếm tiền và âm thầm viết dự án thành lập Teach For Vietnam. Một năm rưỡi sau, Phúc hoàn thành nó và thôi việc ở công ty. Nhiều người đã sửng sốt khi biết Phúc bỏ công việc lương tháng tới 100 triệu đồng để đi làm “chuyện không đâu”.

“Chuyện không đâu” được Phúc giải thích: Teach For Vietnam tuyển chọn các hạt giống nhân sự đa ngành nghề, đào tạo họ thành giáo viên rồi tung về vùng sâu, vùng xa để dạy tiếng Anh và các kỹ năng mềm cho học sinh. Thông qua việc giảng dạy ngoại ngữ, Teach For Vietnam hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho địa phương.

“Các kỹ năng cần thiết chính là nói tiếng Anh và thông hiểu địa phương. Từ đó chúng tôi kỳ vọng tạo ra hệ sinh thái giáo dục Việt Nam bình đẳng khắp mọi vùng miền. Lâu nay việc học quen thuộc là giáo viên ở vị trí trung tâm.Bây giờ sẽ ngược lại, học sinh sẽ tương tác với thầy cô thông qua giờ học trên lớp và hoạt động ngoại khóa. Khi Teach For Vietnam phủ sóng khắp Việt Nam, trẻ con cả nước được thụ hưởng cách thức giáo dục mới, không có khác biệt”, Phúc chia sẻ.

NHÂN TỐ QUYẾT ĐỊNH

Có đề án, Phúc gõ cửa nhiều tỉnh thành để đề nghị triển khai. Hai nơi đầu tiên anh chọn là đồng bằng sông Cửu Long và đồng bằng sông Hồng. Theo Phúc, hai vựa lúa nổi tiếng thế giới này đang chịu sự nghiệt ngã cao nhất về bất bình đẳng giáo dục. Tiếp nữa, Phúc lặn lội Tây Bắc, miền Trung và cả quê nhà Bình Định. Đến đâu anh cũng bắt gặp những cái lắc đầu. Lý do: Cử nhân sư phạm ra trường rất nhiều, giáo viên ở tỉnh không thiếu, chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ổn định.

Ba mẹ Phúc bắt đầu lo lắng cho đứa con duy nhất của mình.

“Tôi trằn trọc mấy đêm thì nhận thấy, hóa ra đi trình đề án của Teach For Vietnam tại trường học là không khả thi. Phải chọn hướng đi khác, tiếp cận lãnh đạo các địa phương và thuyết phục họ. Lúc này, tiến sĩ Huỳnh Thế Du đang tư vấn cho tỉnh Tây Ninh, tôi nhờ anh giới thiệu với Bí thư Trần Lưu Quang. Ông Quang cởi mở, lại giỏi tiếng Anh. Nhận được cái gật đầu của vị bí thư, tôi thở phào”, Hạnh Phúc nói.

Tháng 8.2017, dự án triển khai tại Tây Ninh, tiếp cận khoảng 20.000 học sinh cấp tiểu học và trung học cơ sở của 32 trường. Gần 20 giáo viên, tình nguyện viên trong và ngoài nước “đổ bộ” về Tây Ninh bám trường dạy học. Kinh phí hoạt động do các tổ chức và cá nhân đóng góp.

Bí thư Trần Lưu Quang đích thân đến từng trường kiểm tra trình độ tiếng Anh của các học sinh trước và sau các khóa học. Các em học sinh từ e ngại, không nói được tiếng Anh, chỉ sau 6 tháng, tất cả đều thay đổi, những đứa trẻ nhút nhát hôm qua đã nói tiếng Anh dạn dĩ. Không chỉ ủng hộ bằng chủ trương, UBND tỉnh Tây Ninh đã quyết định hỗ trợ 1,6 tỉ đồng/năm và cho mượn phòng để đội ngũ nhân sự Teach For Vietnam làm việc.

Chưa dừng lại đó, Bí thư Trần Lưu Quang còn đề nghị Teach For Vietnam đào tạo tiếng Anh cho lãnh đạo tỉnh. Theo người đứng đầu Tỉnh ủy, tiếng Anh là chìa khóa cho cán bộ Tây Ninh mở kho kiến thức nông nghiệp, du lịch của thế giới để áp dụng cho địa phương.

Ông Quang nói vui: “Lãnh đạo các tỉnh biên giới bên Campuchia rất giỏi tiếng Anh. Mình không thể thua họ. Tất cả lãnh đạo từ cấp tỉnh tới cấp sở đều phải tích cực học tiếng Anh và làm các bài kiểm tra định kỳ. Bớt một buổi nhậu đêm, thêm vốn từ ngoại ngữ”.

Hạnh Phúc mới chỉ bắt đầu nhưng những gì đạt được thì đầy hứa hẹn. Phúc và những đồng sự của mình đặt mục tiêu đến cuối năm 2018, toàn tỉnh Tây Ninh sẽ được Teach For Vietnam phủ sóng. Cơ sở của niềm tin mãnh liệt này đến từ sự cởi mở của các vị lãnh đạo Tây Ninh. Không dừng lại phạm vi một tỉnh, tầm nhìn của Hạnh Phúc xa và rộng hơn nhiều.

“Chúng tôi đặt mục tiêu phủ sóng Teach For Vietnam trên toàn quốc. Năm sau, chúng tôi sẽ có khoảng 30 giáo viên chất lượng cao. Nhiều bạn trẻ từ bỏ nước ngoài văn minh, chịu rời xa đô hội với thu nhập cao để hướng đến cộng đồng bất vụ lợi là động lực cho Teach For Vietnam phát triển. Trước đây, tôi học đại học trong nước rồi du học Mỹ chỉ với suy nghĩ hạnh phúc là nhiều tiền. Định nghĩa hạnh phúc bây giờ của tôi là chia sẻ những may mắn mình có được trong đời cho các em học sinh,” Phúc bộc bạch.

Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý (Mậu Tuất 2018).

Bài viết liên quan