Nhiều hợp đồng hợp tác được ký kết tại Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018

Ngày 12/12/2018, Diễn đàn Kinh tế Xanh 2018 – Hậu Giang xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường trên nền tảng logistics, do Ủy Ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang (UBND Hậu Giang), Liên minh Hợp tác xã Việt Nam (LMHTX Việt Nam), Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ…tổ chức đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang, TP. Vị Thanh.

Kết nối Diễn đàn Kinh tế Xanh

Diễn đàn đã thu hút 400 đại biểu là các doanh nhân, nhà đầu tư, nhà khoa học, nhà kinh tế trong và ngoài nước cùng nhau thảo luận các giải pháp giúp phát huy đầy đủ các thế mạnh sẵn có của địa phương trong việc xây dựng chuỗi giá trị nông sản dựa trên nền tảng logistics.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Sau gần 15 năm xây dựng và phát triển, Hậu Giang đã đạt được những thành tựu như tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 6,93%, khu vực I tăng 2,23%, cơ cấu kinh tế khu vực I là 26,74%, GRDP đầu người đạt 38,32 triệu đồng/năm. Đời sống nhân dân được cải thiện. Hậu Giang hiện có 140.124 ha đất nông nghiệp, chiếm 87% điện tích đất tự nhiên. Trong đó, cây lúa 79.000 ha (diện tích sản xuất cả năm là 198.500 ha), sản lượng 1,26 triệu tấn. Cây mía 10.500 ha, sản lượng 1,03 triệu tấn. Cây ăn trái 38.100 ha, sản lượng khoảng 339.000 tấn. Rau màu 19.900 ha. Diện tích nuôi thủy sản 7.300 ha, sản lượng khoảng 66.000 tấn.

Trải qua quá trình phát triển, Hậu Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn thách thức như ảnh hưởng của biến đối khí hậu gây ra thời tiết cực đoan, hạn hán, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, giá cả thị trường không ổn định. Các ngành hàng như mía đường, cá tra, cây có múi,… liên kết sản xuất và tiêu thụ theo chuỗi giá trị các mặt hàng nông sản chưa thực sự phát triển; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ 4.0 vào trong sản xuất và phát triển về hệ thống logistics trong chuỗi giá trị nông sản vẫn còn nhiều tiềm năng.

Từ những thách thức trên, tôi hy vọng thông qua Diễn đàn lần này là cơ hội cho sự phát triển của tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung. Đồng thời, đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư, và đối tác có thêm đầy đủ thông tin và tin tưởng đầu tư vào Hậu Giang…”

Các diễn giả chia sẻ xây dựng chuỗi giá trị nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logistics

Diễn đàn đã bàn luận đến những vấn đề như: Chuỗi giá trị nông nghiệp định hướng thị trường, chiến lược phát triển, kinh nghiệm thành công và những thách thưc đặt ra; Tiêu thụ nông sản trong nước và thế giới – những xu hướng hiện tại; Lựa chọn chiến lược. Các diễn giả là cơ quan, tổ chức quản lý nhà nước, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nhân trong và ngoài nước đã phân tích nhiều lợi thế tiềm năng của tỉnh Hậu Giang để xây dựng chuỗi giá trị nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logistics.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch LMHTX Việt Nam cho rằng Hậu Giang có nhiều lợi thế phát triển chuỗi giá trị nông sản định hướng thị trường trên nền tảng logistics, vì có hơn 140 ngàn ha trồng lúa, hàng chục ngàn ha trồng cây ăn trái, rau quả, mía đường và có hàng chục ngàn tấn thủy sản. Hậu Giang tiếp giáp TP. Cần Thơ-Trung tâm ĐBSCL, có sông Hậu, kênh xáng Xà No-được Pháp đào hơn 100 năm, là tuyến đường thủy huyết mạch vận chuyển nông, thủy sản thuận lợi và đường hàng không sân bay quốc tế Cần Thơ chỉ cách vài chục km. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, do hiện nay sản xuất nhỏ lẻ, manh mún nên chi phí logistics cao, nông dân sản xuất nông, thủy sản gặp nhiều khó khăn. Muốn cải thiện vấn đề này nông dân phải tham gia HTX, HTX gắn kết với doanh nghiệp để chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Sản xuất nông nghiệp phải gắn với nền tảng logistics.

Các chuyên gia nước ngoài như ông Lee Yong Kyun (Hàn Quốc), Giám đốc điều hành Lavifood, phân tích cho biết thị trường rau củ quả thế giới trong tương lai rất lớn, dự báo sẽ đạt đến hơn 317 tỷ USD vào năm 2021, nhưng người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm tử có nguyên liệu từ thiên nhiên như nước ép trái cây, sữa trái cây, trà thảo mộc… thay cho nước có gas nhằm bảo vệ sức khỏe. Khảo sát về sức khỏe và sự nhạy cảm với các thành phần nguyên liệu của Neilsen năm 2018 cho biết có tới 70% người tiêu dùng có tránh không sử dụng sản phẩm có chất bảo quản, tương ứng là 68% và 65% cho màu sắc và hương vị nhân tạo…

Còn các chuyên gia trong nước thì cho rằng logistics là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng hằng năm 16-20%. Theo xếp hạng của World Bank, Việt Nam xếp thứ 64 trên 160 về phát triển logistics và xếp thứ tư ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tuy nhiên, hiện nay chi phí giao thông và chi phí vận chuyển ở Việt Nam ở mức 25% trong khi con số này chỉ chiếm 7 – 15% ở các nước phát triển. Như vậy, chi phí vận chuyển của Việt Nam cao gần gấp đôi so với các nước khác. Nguyên nhân là do khâu phát triển logistics còn hạn chế với cơ sở hạ tầng kém phát triển đi kèm mạng lưới đường bộ quá tải. Logistics kém phát triển là một trong những nguyên nhân khiến giá thành sản xuất nông sản cao, khó cạnh tranh. Chính vì vậy, bài toán chuỗi giá trị nông nghiệp phải luôn gắn chặt và có quan hệ hữu cơ với bài toán phát triển logistics. Hiện nay, thị trường logistics toàn cầu dự báo tăng trưởng trung bình 6,54%/năm trong giai đoạn 2017-2020, và đạt 15,5 nghìn tỉ USD vào năm 2024. Điều đó cho thấy logistics Việt Nam nói chung và Hậu Giang có nhiều cơ hội để phát triển trong thời gian tới.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang ( hàng thứ 2 bìa phải qua) ký kết hợp tác với các đối tác

Tại Diễn đàn có nhiều hợp đồng hợp tác của các tổ chức, doanh nghiệp ký kết với với UBND tỉnh Hậu Giang như: Nghiên cứu đầu nhà máy chế biển rau củ quả (Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Công ty CP Lavifood), Ký kết xúc tiến xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp ra thị trường Trung Quốc (Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Hiệp hội Nông nghiệp Trung Quốc, Công ty CP Lavifood), Nghiên cứu đầu tư ngôi nhà khởi nghiệp xanh (Liên minh HTX Việt Nam, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ), Nghiên cứu đầu tư khu công nghiệp chế biến sâu (Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Green logistics), Nghiên cứu đầu tư phát triển vùng trồng liên kết nguyên liệu rau củ quả ( Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Công ty CP Nông trường Xanh), Nghiên cứu đầu tư trung tâm hỗ trợ nông dân (Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Công ty CP Lavi Farm), Nghiên cứu đầu tư hệ thống đào tạo nguồn nhân lực (Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Công ty CP Green Edu), Ký kết hợp đồng thu mua nông sản (Công ty CP Lavifood, HTX Hậu Giang Yên Bình An), Biên bản thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Geumsan Hàn Quốc và tỉnh Hậu Giang, Thỏa thuận hợp tác về tín dụng thanh toán và các lĩnh vực khác (Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển Nông thôn chi nhánh Hậu Giang, Ủy ban nhân dân cấp huyện)…

Phát biểu bế mạc, ông Lê Tiến Châu, Chù tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rẳng Diễn đàn được xem như “Hội nghị Diên hồng về phát triển nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang.” “Thẳng thắn nhìn nhận, nền nông nghiệp của tỉnh Hậu Giang tuy giàu tiềm năng nhưng mới chỉ bước những bước đi ban đầu, chưa thể tham gia sâu vào những khâu có giá trị gia tăng cao của chuỗi giá trị nông sản. Trong thời kỳ cách mạng Công nghiệp 4.0 đang diễn ra từng ngày từng giờ, làm thay đổi tư duy và phương thức sản xuất trong mọi lĩnh vực kinh tế – xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, chúng tôi nhận thức rằng, mặc dù nền nông nghiệp của tỉnh nhà còn ở mức tiềm năng, chưa được khai thác đúng kỳ vọng, nhưng ở khía cạnh đầu tư, đây lại là lợi thế lớn nếu chúng ta quyết tâm đi những bước thật nhanh, chính xác và đúng hướng để đón đầu xu thế của thế giới, xu thế phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị nông sản dựa trên nền tảng logictics.

Hội tụ và lan tỏa, hợp tác để cùng phát triển và thành công là xu thế tất yếu trong thế giới hiện đại, và để đạt được mục tiêu kỳ vọng và có phần tham vọng là xây dựng thành công một Hậu Giang Xanh trở thành trung tâm nông nghiệp của cả Khu vực, tỉnh Hậu Giang rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của Trung ương và sự hợp tác, liên kết của các địa phương, các tổ chức, cơ quan trong và ngoài nước, các chuyên gia, nhà đầu tư và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tôi cam kết bằng sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành và địa phương trong tỉnh, sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các tổ chức, các nhà đầu tư và doanh nghiệp thật sự thuận lợi khi đến đầu tư với Hậu Giang…” Ông Lê Tiến Châu phát biểu.

Nguồn: Báo Mới

Bài viết liên quan