Người mang lan về miền phù sa

Mùa Xuân, đi giữa đất Sen hồng chợt bắt gặp mênh mông lan. Dòng nước Mekong miệt mài tưới mát cho đất nở hoa, một doanh nhân đã nhận ra điều đó và xắn tay gầy dựng vườn lan này.

Vườn lan mênh mông giữa đất sen Hồng.

NGÃ RẼ ĐỊNH MỆNH

Bà Hồ Thị Ngọc Giao không phải con nhà nòi về hoa. Đào tạo bài bản về ngành lan cũng không. Điểm lại hành trình 14 năm gầy dựng công ty, mới thấy người phụ nữ này luôn nhanh chân hơn thị trường một bước ở những cột mốc quan trọng.

Tốt nghiệp đại học năm 2003, bà Giao đầu quân cho một công ty bất động sản. Yêu cầu công việc đưa chân bà đến vùng trồng lan Trảng Bàng (Tây Ninh). Sự bén nhạy với thị trường giúp bà có thêm nghề tay trái. Đấy là năm 2004.

Hoa lan thích hợp với khí hậu nhiệt đới. Thị trường phía Bắc hút hàng. Bà thuyết phục nhà vườn cho gối đầu, đem lan cắt cành ra Hà Nội. “Tôi là người đầu tiên chạy xe bán tải, gom lan cắt cành từ khắp nhà vườn ở Trảng Bàng”, bà Giao nhìn lại giai đoạn “mượn đầu heo nấu cháo”. Tổng đại lý ở Hà Nội là chủ tiệm ảnh cưới, sẵn sàng chuyển tiền trước khi nhận hàng. Thông qua đầu mối này, hoa lan đi thẳng vào các cửa hàng bán lẻ. “Ra chợ sỉ, không thấy hoa của tôi”, bà Giao chia sẻ chiến thuật phân phối. Nhưng ở đời, lúa thóc đi đâu, bồ câu theo đó. Thị trường màu mỡ không giấu được. Thương lái, nhà vườn mang hoa ra Bắc tham dự hội chợ. Cung tăng, giá giảm.

Ông bà chủ kể cho khách phương xa nghe câu chuyện về lan Ngọc Tú.

Tình thế khiến bà Giao mạnh dạn dấn thêm bước nữa, đầu tư vào sản xuất. Nghề tay trái thành tay phải. Vốn liếng tích lũy sau hai năm bươn chải đổ vào hơn 1 hécta trồng lan tại Trảng Bàng. Xứ này có nghề làm đậu phộng rang tỏi ớt, ngon có tiếng. Sau khi chế biến, phế phẩm được được tận dụng để bón lan. Vỏ đậu lâu phân hủy, mau thoát nước, tốt hơn vỏ trấu. Chưa kể lớp “áo” bao hạt đậu cũng rất thích hợp cho quá trình sinh trưởng của lan. Không đi sâu vào vấn đề kỹ thuật, bà Giao khẳng định đã chứng minh bằng thực nghiệm.

Khu vực Trảng Bàng có một hạn chế là sử dụng nước tưới từ giếng khoan, chỉ phù hợp với lan Mokara (đơn thân). Còn lan đa thân (Dendrobium) cần nước sông.

NẤC THANG MỚI

Năm 2011, bà Giao về Cao Lãnh, đặt vấn đề thuê 10 hécta đất làm dự án sản xuất hoa lan kết hợp nuôi cấy mô. Tuy nhiên, địa phương lúc ấy chỉ bố trí được 1,3 hécta tại xã Tân Thuận, nhận nước sông Tiền hằng năm được bồi dưỡng phù sa từ thượng nguồn Mekong. Năm 2016, hạn mặn ồ ạt tấn công đồng bằng. Đồng Tháp là địa phương duy nhất an toàn.“Vùng trồng lan lớn nhất của Thái Lan bám theo sông Chao Phraya”, bà Giao nhắc lại những chuyến tham quan, “tầm sư học đạo” tại đất nước chùa Vàng.

Thời gian “tu nghiệp” xuất hiện cơ hội mở rộng mảng kinh doanh thương mại. Giống nhập về, vừa phục vụ nhu cầu sản xuất, vừa phân phối lại cho những nhà vườn. Khoai ngon, nhiều người vác mai đi đào, chia lại miếng bánh thị trường. “Tôi không bất ngờ”, bà Giao cho biết phương án chủ động gây giống nằm trong lộ trình. Năm 2013, phòng cấy mô chính thức đi vào hoạt động.

Quản lý dịch bệnh là một trong những thách thức kỹ thuật lớn nhất đối với nhà vườn, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp. Tự chủ giống góp phần ngừa bệnh. Xử lý trục trặc từ nguồn là giải pháp tối ưu, theo nghĩa vừa hiệu quả, vừa tiết giảm chi phí. Thực tế, Công ty Ngọc Tú từng gặp rủi ro tại nguồn khi đặt hàng đối tác bên Thái Lan gia công. Nước lũ dâng cao khiến đối tác buộc phải di chuyển vườn ươm. Mã hàng bị xáo trộn. Tới chừng ra bông mới biết lộn hàng. Thiệt đơn thiệt kép.

Lợi ích thứ hai từ phòng cấy mô là lai tạo thêm nhiều giống mới. Hỏi Ngọc Tú có bao nhiêu loại, bà chủ thừa nhận “rất nhiều”, nhất thời không thể nhớ hết. Thứ ba là giảm chi phí, kéo theo giảm giá thành. Năng lực cạnh tranh được cải thiện. Chưa hết, dù đã ngưng nhập khẩu giống từ Thái Lan nhưng mảng kinh doanh giống của Ngọc Tú không dừng lại. Khác chăng là xưa bán giống của người, giờ bán giống của mình. Công ty còn ưu tiên gia công cho một nhà vườn trên Bảo Lộc, Lâm Đồng. Khách hàng này chuyên kinh doanh lan rừng, sưu tầm được nhiều giống quý ngày càng khan hiếm trong tự nhiên. Hoạt động kinh doanh góp phần bảo tồn gien quý. Đến nay, Công ty TNHH Hoa lan Ngọc Tú là doanh nghiệp phát triển bài bản chuỗi giá trị tương đối khép kín, chủ động từ khâu giống, sản xuất cho đến bán sỉ.

Ngoài Trảng Bàng và Cao Lãnh, Ngọc Tú còn sở hữu một vườn ở thành phố Sa Đéc. Tổng diện tích canh tác khoảng 4 hécta. Trung tuần tháng 11 vừa qua, Ngọc Tú tổ chức động thổ dự án diện tích 9,2 hécta, cũng ở xã Tân Thuận Tây. Thời gian thi công kéo dài hai năm.

Không đề cập trực tiếp đến nhiều chỉ tiêu tài chính, bà Giao cho biết suất đầu tư mỗi hécta hoa lan khoảng trên 3 tỉ đồng. Tám tháng, cây giống cho thu hoạch lần đầu. Tùy vườn, thời gian hoàn vốn dao động trong khoảng từ 3 đến 4 năm.

Hoa lan Ngọc Tú là thương hiệu được giới yêu hoa lan và các doanh nghiệp hoa lan trong nước và nhiều nước trên thế giới biết đến bởi Công ty Hoa lan Ngọc Tú đã được mời và tham gia triển lãm hoa tại nhiều nơi trên thế giới như: Thái Lan, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản… Tại cuộc thi hoa lan ở Thái Lan năm 2016 do Hiệp hội Hoa lan Châu Á – Thái Bình Dương tổ chức, Hoa lan Ngọc Tú đã xuất sắc giành giải nhất trang trí “Tiểu cảnh hoa lan” với chủ đề “Người và Hoa”…. Chuyến xuất ngoại đầu tiên trong năm mới 2018 sẽ là triển lãm hoa lan tại Okinawa, Nhật Bản. Tuy nhiên, những năm gần đây, bà Giao hạn chế xuất hiện với tư cách doanh nghiệp, mà thay vào đó là “Hội những người yêu hoa lan Đồng Tháp”. “Trong thâm tâm, tôi mong muốn một ngày nào đó Đồng Tháp sẽ đăng cai một triển lãm hoa lan quốc tế”- bà Ngọc Giao chia sẻ. Mong muốn ấy có lẽ cũng nằm trong lộ trình của bà chủ vườn lan bạc tỉ.

Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý (Mậu Tuất 2018).

Bài viết liên quan