Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ hoan nghênh các nỗ lực nhằm phát triển nông nghiệp, hỗ trợ HTX nông nghiệp Việt Nam – Ảnh: TTXVN
Kinh tế hợp tác là một loại hình kinh doanh lâu đời và có nhiều điểm ưu việt. Vấn đề là làm thế nào để huy động tối đa nguồn lực cho phát triển hợp tác xã trong bối cảnh kinh tế, xã hội hiện nay.
Phát biểu tại Hội thảo Xúc tiến thương mại, công nghệ và thu hút vốn phát triển hợp tác xã Việt Nam tại Hà Nội chiều 18.5, ông Lê Thành, Viện trưởng Viện kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, đơn vị đồng tổ chức, nhận định mô hình hợp tác xã không bao giờ lỗi thời. Đó cũng là nhận định của ông Balu Iyer – Tổng Giám đốc liên minh HTX Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, phát huy nguồn lực cho hợp tác xã được đưa ra tại hội thảo
Ra đời từ năm 1948, hợp tác xã là một trong những mô hình kinh doanh lâu đời của Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng trên 20.200 hợp tác xã, 93.220 tổ hợp tác và 59 liên hiệp hợp tác xã, đóng góp ngày càng to lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế. Trên thế giới, mô hình này ra đời từ cuối thế kỷ XIX. HTX là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu của ít nhất 7 thành viên. Sự liên kết giữa các thành viên tạo nên sức mạnh của HTX.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam, cho rằng thông qua sự liên kết, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau, các thành viên có thể giúp nhau thoát khỏi nghèo đói nhờ việc tạo ra các cơ hội kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, đào tạo các kỹ năng làm việc, nâng cao năng lực và vị thế kinh tế, xã hội. Khác với các doanh nghiệp thông thường, thành viên HTX đồng thời là chủ sở hữu của HTX và được nhận thêm lợi nhuận thặng dư từ HTX trên cơ sở mức độ sử dụng dịch vụ và các hoạt động kinh tế thực hiện với HTX. Không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển, vận động của xã hội là một mục tiêu nhân văn mà HTX hướng đến.
Khi nhiều cá nhân cùng hợp sức, kinh tế hợp tác mang đến sức mạnh tổng hợp cho người nông dân
Tại Việt Nam, nông dân là đối tượng dễ bị tổn thương; mỗi biến động bất lợi về giá nông sản đều tác động mạnh mẽ lên đời sống, thu nhập của người nông dân. Những đợt kêu gọi giải cứu nông sản mỗi khi nông sản được mùa, mất giá, đến nay bộc lộ nhiều hạn chế, đặc biệt về tính bền vững.
Lavifood, một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến – xuất khẩu trái cây, rau củ và nông sản, đã tìm lối ra cho nông sản bằng một phương án hiệu quả: liên kết với ILMI của Hàn Quốc để xây dựng nhà máy chế biến nông sản, đặc biệt là củ cải, loại nông sản cách đây không lâu cả xã hội phải ra tay “giải cứu”. Dự kiến đến giữa năm 2019, khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ tiêu thụ hàng chục nghìn tấn củ cải và các loại rau củ mỗi năm, chế biến thành kim chi và các loại sản phẩm khác, xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản, hai quốc gia có nhu cầu tiêu thụ khổng lồ.
Cùng các hợp tác xã tại các địa phương, Lavifood có thể tổ chức chuỗi giá trị nông sản khép kín từ nguyên liệu giống, phân bón tới canh tác, thu hoạch và bao tiêu nông sản với khối lượng lớn, đảm bảo quá trình sản xuất và chế biến không bị gián đoạn, đảm bảo đầu ra ổn định, không trồi sụt thất thường, vĩnh biệt “điệp khúc giải cứu”.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, chủ một chuỗi kinh doanh nông sản tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, cũng đang lên kế hoạch mở chuỗi lên 7 cửa hàng trong ba năm tới, đồng thời hoàn thiện quy trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý sản phẩm, ông Đạt kỳ vọng có thể nhân rộng mô hình này và kết hợp với các hợp tác xã tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thậm chí mở rộng ra các tỉnh khác.
Bên ngoài nông nghiệp, mô hình hợp tác xã cũng đã cho thấy nhiều ưu việt trong các lĩnh vực khác như thương mại, công nghệ cao…
Trong cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền của Tạp chí Nhà Quản Lý, ông Balu Iyer – Tổng Giám đốc liên minh HTX Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương, cho rằng HTX là mô hình kinh doanh bền vững khi lấy các thành viên làm trung tâm, vì lợi ích của các thành viên. Nhờ đó, mô hình này đã dễ dàng vượt qua các đợt khủng hoảng kinh tế khu vực và thế giới, gần đây nhất là đợt khủng hoảng tài chính năm 2008.
Người nông dân tìm thấy cơ hội mới khi tham gia mô hình hợp tác xã
Một trong những tên tuổi hợp tác xã được biết đến nhiều nhất tại Việt Nam là Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM với tên thương hiệu Saigon Co.op, một trong những nhà bán lẻ hàng đầu hiện nay. Mỗi năm chuỗi cửa hàng của Saigon Co.op tiêu thụ tổng cộng 53.000 tấn rau củ quả, 23.000 tấn thịt, thủy hải sản. Hiện tại Saigon Co.op có tổng cộng 26 HTX thành viên. Saigon Co.op đặt mục tiêu khẳng định vị thế nhà bán lẻ hàng tiêu dùng hàng đầu Việt Nam, mở rộng sự hiện diện của ra khu vực, đồng thời giữ vững bản chất hợp tác xã, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng giám đốc Saigon Co.op, chia sẻ.
Ông Nhân tự tin vào mô hình này của Saigon Coop và thành công của nó minh chứng cho những ưu thế mà mô hình hợp tác xã mang lại.
Vấn đề của HTX nói chung và HTX Việt Nam nói riêng đó là làm thế nào để thu hút được lực lượng lao động trẻ, vốn vẫn xa lạ với mô hình có vẻ “lạc hậu” này. Ông Iyer cho rằng một điểm mấu chốt là các HTX phải tìm đến những người lao động trẻ, thuyết phục bằng những lợi ích mà HTX mang lại với người lao động, chủ doanh nghiệp…. Ngoài ra, kiến thức về HTX cũng cần thiết được đưa vào các chương trình dạy nghề một cách nghiêm túc, như Singapore, Myanmar và một số quốc gia phát triển đang làm.
Ông Iyer lạc quan cho rằng, với lịch sử hơn 100 năm, HTX đã có một quá khứ dày dặn và sẽ tiếp tục một tương lai dài lâu, nếu thực sự biết đổi thay, cải thiện.
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý