Ngành logistics chưa phát triển làm giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam. Để thay đổi điều này cần một chiến lược mang tầm quốc gia.
Tại nhiều cuộc hội thảo quốc tế về logistics, phân tích các luồng hàng hóa vận động trên các hành lang kinh tế quan trọng của khu vực và quốc tế, cả về đường hàng không lẫn đường biển, nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam có tiềm năng và lợi thế rõ rệt trong phát triển logistics. Chả thế mà từ lâu trên 20 hãng vận tải biển lớn nhất thế giới đã âm thầm tiếp cận và có mặt ở nước ta. Với họ, một thị trường logistics hàng chục tỉ USD/năm ở nơi mà chủ nhà, vì nhiều lý do, chưa đủ sức nắm lấy là rất hấp dẫn. Thị trường đó khởi sắc khi Việt Nam tham gia các tổ chức thương mại khu vực và quốc tế, nhất là từ năm 2007 sau khi Việt Nam gia nhập WTO.
Năng lực cạnh tranh của một quốc gia phụ thuộc nhiều vào trình độ phát triển logistics của quốc gia đó. Thông qua các hoạt động logistics, có thể thấy rõ thực trạng của nền kinh tế: sản xuất những sản phẩm gì, bằng công nghệ nào, ở đâu, cung cấp cho thị trường nào, vận tải bằng phương tiện gì, với trình độ quản lý như thế nào…? Các dịch vụ logistics diễn ra trên diện rộng, từ phục vụ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa theo nguyên tắc cung cấp đúng thời điểm, đúng khối lượng, đảm bảo chất lượng với chi phí thấp nhất. Các nước có trình độ phát triển logistics cao, chi phí logistics nằm trong khoảng 5 – 14% GDP, trung bình thì khoảng 15 – 19% GDP, từ 20% GDP trở lên được xem là yếu. Ở nước ta, vì chưa có một phép đo chính xác nên những con số khác nhau về chi phí logistics được nhiều nguồn đưa ra, tuy nhiên chúng đều nằm trong khoảng 21 – 25% GDP.
Tại sao ở đất nước có tiềm năng là lợi thế phát triển logistics nổi trội, ở vị trí trung tâm của khu vực sôi động nhất hành tinh là châu Á – Thái Bình Dương lại có hình ảnh chưa thuận đó? Liệu có thể thay đổi được trạng thái này? Câu trả lời hoàn toàn lạc quan. Từ kết quả nghiên cứu nhiều năm và đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn quốc tế, chúng tôi xin đề cập đến những giải pháp gắn với những vấn đề cụ thể như sau.
Về nhận thức. Ở nước ta, nhiều người hiểu logistics theo ý nghĩa khác nhau. Đa phần đồng nhất thuật ngữ logistics với “hậu cần” hay “dịch vụ kho vận”. Cách hiểu đó khác xa định nghĩa logistics là một siêu ngành kinh tế của quốc tế. Nó không phải là ngành chuyên “phục vụ” các ngành khác mà hơn thế nữa, nó thúc đẩy và kích thích sự phát triển cả về kinh tế lẫn xã hội.
Về chiến lược phát triển: Theo quan niệm hiện đại, nền kinh tế cần phải phát triển dựa trên nền tảng logistics. Nói cách khác, logistics phải tham gia vào tất cả các công đoạn từ phục vụ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ sản phẩm như mô hình sau đây
Mô hình quan niệm này giúp xây dựng một chiến lược phát triển logistics bao quát được tất cả các yếu tố (pháp lý, nhân lực, tài chính, công nghệ, hạ tầng, phương tiện, khai thác các lợi thế…) nhằm kiến tạo môi trường logistics thuận lợi nhất để phát triển kinh tế.
Về phát huy các tiềm năng và lợi thế: Quan sát từ góc độ logistics khu vực cho thấy nhiều hành lang kinh tế quan trọng trong khu vực như Côn Minh – Hải Phòng, Yangon – Quảng Trị, Bangkok – TP.HCM đều hướng ra Biển Đông. Ở cuối các hành lang này, thật may mắn, đều tồn tại những vị trí lý tưởng để xây dựng cảng nước sâu. Việc hình thành các cảng cửa ngõ quốc gia (national gateway) tại những vị trí này làm kích hoạt luồng vận động hàng hóa trên các hành lang kinh tế khu vực dẫn đến nhu cầu phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy tạo ra hệ thống giao thông kết nối hiện đại, đa phương thức. Các cảng cửa ngõ quốc gia này vừa là trung tâm của các vùng kinh tế động lực vừa góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu một cách chủ động. Về hàng không, sân bay Long Thành sắp được xây dựng có vị trí lý tưởng cho một cảng trung chuyển quốc tế vì nằm ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Bên cạnh những lợi thế trong phát triển logistics hướng ngoại, nước ta cũng có nhiều lợi thế trong phát triển hệ thống logistics hướng nội mà nổi bật nhất là trục xuyên Việt và mạng lưới sông ngòi trong cả nước. Khi những tiềm năng và lợi thế này được phát huy mạnh mẽ, chúng sẽ góp phần tạo nên những bản sắc riêng rất độc đáo Việt Nam.
Giải được bài toán logistics sẽ giúp thúc đẩy kinh tế và xã hội phát triển
Về tổ chức sản xuất dựa trên nền tảng logistics: Chúng tôi cho rằng, nên xem đây là mục tiêu chính cần đặt ra. Khi tất cả các khu công nghiệp, nông nghiệp cùng hàng trăm ngàn doanh nghiệp (dự tính đến 2020 cả nước có 1 triệu doanh nghiệp) đều được tổ chức sản xuất dựa trên nền tảng logistics (logistics-based) thì năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam sẽ được nâng lên rất cao. Mọi nỗ lực phát triển logistics cũng nhằm vào mục tiêu này là chính.
Về phát triển xã hội: Logistics không chỉ đóng vai trò như “hệ tuần hoàn” của nền kinh tế mà còn là tác nhân tích cực thúc đẩy phát triển xã hội. Có thể nhận ra điều này rõ nhất từ sự xuất hiện của các thị tứ logistics, các đô thị vệ tinh logistics dọc theo các hành lang kinh tế lớn, nhỏ. Ở vùng đồng bằng sông Hồng hay đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), mô hình phát triển các thị tứ logistics dọc theo các tuyến vận tải thủy sẽ tạo nên một bức tranh mới độc đáo trong xây dựng mô hình nông thôn mới tiến lên hiện đại.
Về ứng dụng công nghệ cao: Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, logistics là một trong những ngành có tốc độ chuyển đổi số cao nhất. Nói cách khác, đó là ngành được tự động hóa ở mức rất cao. Ứng dụng IoT (internet kết nối vạn vật) trong các khâu vận tải, kho bãi, kiểm hóa, luồng lạch…tạo ra dữ liệu lớn phục vụ tự động hóa hàng loạt khâu như bốc xếp, kiểm soát trạng thái, điều khiển quá trình, xử lý tình huống… nhờ ứng dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo. Trong tương lai không xa, người ta có thể hạ chi phí logistics và thời gian thực hiện dịch vụ xuống thấp hơn nữa trong khi chất lượng lại cao hơn từ việc ứng dụng những công nghệ 4.0 này.Như thế, dù hiện tại có nhiều bất cập trong phát triển logistics mà ai cũng thấy, chúng ta có niềm tin rằng nước ta có rất nhiều thuận lợi trong phát triển ngành kinh tế quan trọng này và trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt thì logistics là một trong số rất ít ngành có thể tạo ra sự đột phá. Ví dụ cụ thể sau đây sẽ minh họa điều đó.
Vấn đề đặt ra: Liệu phát triển logistics có giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ĐBSCL không?
ĐBSCL có diện tích bằng 12% tổng diện tích của cả nước với số dân bằng 19% dân số cả nước. Đây là trung tâm nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, đóng góp đến 50% sản lượng lúa gạo, 65% sản lượng thủy sản, 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo và 60% lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước xuất phát từ vùng này. ĐBSCL có hệ thống sông ngòi chằng chịt với tổng chiều dài gần 28.000km.
Phân tích số liệu thị trường cho thấy năng lực cạnh tranh của hàng hóa ĐBSCL so với các nước trong khu vực có phần thua kém. Nguyên nhân chủ yếu được xác định là chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm chưa cao trong khi chi phí logistics thì lại rất cao. Như thế, để nâng cao năng lực cạnh tranh thì cần cải thiện 2 yếu tố này.
Thực tế cho thấy, việc nâng cao chất lượng và độ đồng đều của sản phẩm đòi hỏi nhiều công sức và nỗ lực nhằm thay đổi tập quán canh tác cũng như ứng dụng các công nghệ tiên tiến; việc cải thiện chất lượng và giảm chi phí dịch vụ logistics cũng cần những đầu tư xứng đáng. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ 4.0, xuất hiện những cơ hội tuyệt vời từ sự tương tác giữa các lĩnh vực. Cụ thể là có thể thực hiện đồng thời quá trình hiện đại hóa nông nghiệp và hệ thống logistics tại ĐBSCL bằng cách lập ra các khu công – nông nghiệp công nghệ cao dựa trên nền tảng logistics (logistics-based zones) và khai thác tối đa vận tải thủy. Theo đó, các khu công – nông nghiệp công nghệ cao phát triển dựa trên ứng dụng đồng bộ các công nghệ cao như công nghệ sinh học, công nghệ nano, công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ robot và tự động hóa… gắn liền với hệ thống logistics đồng bộ, được tổ chức khoa học từ hệ thống kho bãi, bến cảng, phương tiện vận tải đến hệ thống chế biến, xuất khẩu… lấy vận tải thủy làm trục phát triển chính. Cách làm này thúc đẩy sự hình thành các vùng nguyên liệu nông nghiệp tiên tiến như vùng chuyên canh lúa gạo Đồng Tháp Mười, An Giang, Kiên Giang, vùng công nghiệp cây ăn trái Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long…vùng chuyên canh nuôi trồng thủy sản công nghệ cao Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau…
Hướng phát triển này sẽ kiến tạo những thị tứ kiểu sông nước, cứ điểm logistics dọc các tuyến vận tải ở các điểm kết nối giữa sông Hậu, sông Tiền hướng về cảng biển cửa ngõ quốc gia. Bộ mặt nông thôn mới của ĐBSCL cũng từ đó thay đổi theo hướng chủ động phát huy các thế mạnh của vùng và ứng phó với biến đổi khí hậu. Xu hướng này hoàn toàn phù hợp với chiến lược phát triển hệ thống giao thông kết nối liên vùng hướng cảng cửa ngõ nhằm chủ động hội nhập quốc tế của quốc gia.
Với vai trò và những tác động tích cực mà logistics mang lại khi được đặt đúng chỗ, chúng tôi tin rằng logistics là sinh lộ của nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay.
Hệ thống sông ngòi chằng chịt là lợi thế của ĐBSCL trong phát triển giao thông đường thủy
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý (Mậu Tuất 2018)