Trồng và chế biến, xuất khẩu thanh long là một nội dung mời gọi đầu tư quan trọng của Bình Thuận.
Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Bình Thuận, 34 dự án ở các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng, du lịch, chế biến, khai thác và chế biến… được cấp phép và tiếp tục đăng ký đầu tư.
Thông tin từ UBND tỉnh Bình Thuận, hội nghị xúc tiến đầu tư lần tổ chức vào sáng 19/4 tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Có 450 đại biểu là doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế, và lãnh đạo các địa phương. Hội nghị lần này được đón lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và Bộ trưởng một số Bộ ngành tham dự, chỉ đạo định hướng.
Ngoài nội dung chính là mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, hội nghị còn được xây dựng theo khuynh hướng là diễn đàn gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư và là cơ hội để tăng cường hoạt động đối ngoại và quảng bá hình ảnh của tỉnh Bình Thuận.
Tại hội nghị này, tỉnh Bình Thuận mời doanh nghiệp tham gia đầu tư vào 3 lĩnh vực chính, đó là: Nông nghiệp công nghệ cao, Du lịch xanh bền vững, và năng lượng sạch – năng lượng tái tạo.
Bình Thuận là tỉnh thuộc vùng Duyên hải Nam Trung bộ, nằm liền kề với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, cách TP.HCM chỉ 200km, một vị trí thuận lợi để phát triển kinh tế.
Một trong những ưu thế của Bình Thuận là mạng lưới giao thông về địa phương này gần như đã đầy đủ và đầu tư khá tốt. Tuyến quốc lộ 1A và tuyến đường sắt đi ngang, các tuyến giao thông nhánh đi về các tỉnh lân cận như Lâm Đồng, Vũng Tàu, cùng với đó là giao thông đường biển, cảng vận tải chuyên dụng, sân bay… đủ để hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp.
Bình Thuận hiện có trên 270.000ha đất nông nghiệp, có 283 công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu. Trong tương lai tỉnh sẽ phát triển thêm 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó, trước mắt có 2.000 ha theo mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bình Thuận có tiềm năng đất đai đa dạng, điều kiện thổ nhưỡng thích hợp cho những loại cây trồng, nằm trong khu vực nhiệt đới có lượng bức xạ phù hợp, hệ thống thuỷ lợi hoàn chỉnh và ít bị ảnh hưởng bởi mưa bão. Bình Thuận sở hữu điều kiện lý tưởng để phát triển nông nghiệp toàn diện, trong đó thích hợp sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như phát triển các loại cây trồng vật nuôi có năng suất cao, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản theo hướng tập trung quy mô lớn, gắn với chế biến xuất khẩu.
Bình Thuận được Trung ương quy hoạch phát triển thành 3 trung tâm lớn của cả nước: trung tâm du lịch thể thao biển, trung tâm năng lượngvà trung tâm chế biến sâu khoáng sản titan. Với trữ lượng ước tính khoảng 599 triệu tấn, chiếm 92% tổng trữ lượng quặng titan của cả nước, Bình Thuận được định hướng trở thành trung tâm chế biến sâu khoáng sản titan của Việt Nam.
Về năng lượng, Bình Thuận được quy hoạch để trở thành trung tâm năng lượng lớn với tổng công suất trên 12.000 MW. Trong đó, Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân đang xây dựng công suất lắp đặt 5.668 MW. Trung tâm nhiệt điện khí Sơn Mỹ được quy hoạch với công suất dự kiến 4.000 MW.
Với nguồn tài nguyên gió dồi dào, Bình Thuận dẫn đầu cả nước trong thu hút các dự án đầu tư điện gió. Theo Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Bình Thuận, dự kiến đến năm 2030 các dự án điện gió có thể đạt công suất tích lũy lên đến 2.500MW. Về điện mặt trời, có lợi thế tiềm năng bức xạ cao, dự báo đến năm 2030 các dự án điện mặt trời được đầu tư có thể đạt công suất 3.819MW. Bình Thuận còn sở hữu tài nguyên thủy điện dồi dào, được tạo bởi 7 lưu vực sông chính với tổng tổng lượng nước bình quân hàng năm là 5,4 tỷ mét khối, hiện nay có 5 nhà máy thủy điện, tổng công suất trên 800MW đang vận hành tại Bình Thuận. Trong thời gian không xa, Bình Thuận sẽ trở thành Trung tâm năng lượng quốc gia khi hệ thống “Thủy điện – Nhiệt điện – Điện gió – Điện mặt trời” được kết nối.
Với bờ biển dài 192km, Bình Thuận có nhiều bãi tắm đẹp, đồi cát trắng hoang sơ, khí hậu trong lành. Nhiều khu vực có cảnh quan thiên nhiên đẹp hấp dẫn như Hàm Tiến – Mũi Né, Thuận Quý – Kê Gà, núi Tà Cú, Hàm Thuận – Đa Mi, Vĩnh Hảo – Cà Ná, Bàu Trắng, Thác Bà, Núi Ông…Bình Thuận còn có các điểm di tích văn hóa, lịch sử nổi tiếng như tháp Chăm Pôshainư, chùa Núi Tà Cú, dinh Thầy Thím, chùa Hang… đã và đang hình thành các quần thể du lịch – nghỉ mát – thể thao – leo núi – du thuyền – câu cá – sân golf – nghỉ dưỡng – chữa bệnh, khu vui chơi giải trí… Trong đó, khu vực Mũi Né là khu du lịch quốc gia, thành phố Phan Thiết là đô thị du lịch và đảo Phú Quý là điểm du lịch quốc gia.Năm 2016 Bình Thuận thu hút hơn 4,5 triệu lượt khách du lịch, trong đó, khoảng 11% là khách quốc tế.
Công nghiệp Bình Thuận đang được khuyến khích phát triển, các Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp đang thu hút các nhà đầu tư. Trong đó, công nghiệp chế biến xuất khẩu sử dụng nguyên liệu lợi thế của địa phương có xu hướng phát triển nhanh. Một số sản phẩm tăng khá như thuỷ sản – nông sản chế biến, may mặc, giày da, vật liệu xây dựng, nước khoáng, hàng thủ công mỹ nghệ.
Giai đoạn 2016 – 2020, dự kiến tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hàng năm của Bình Thuận là 7,5%. Chính đóng góp vì vậy, việc đóng góp của nhà đầu tư vào tỉnh này đóng một vai trò quan trọng.
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý