A. Quá trình hình thành Chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao nghành rau củ quả định hướng thị trường thế giới trên nền tảng logistics – mô hình điểm tại Tây Ninh
Việt Nam là một nước có truyền thống phát triển ngành nông nghiệp nhưng do kỹ thuật còn lạc hậu nhất là ở khâu chế biến sau thu hoạch; các khâu từ sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ còn rời rạc, chịu sự chi phối của thương lái; nên sản phẩm phần lớn còn ở dạng thô và chưa tạo được nhiều giá trị gia tăng, dẫn đến giá trị kinh tế chưa cao. Tuy vậy, với sự phát triển của kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp trong hàng chục năm đã phải tự mình đổi mới và tiếp cận công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại, tự xây dựng và quản lý chuỗi cung ứng của mình nhằm đáp ứng các đơn hàng của các đối tác quốc tế, hoặc phục vụ thị trường cao cấp nội địa. Do vậy, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất đã đạt được các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất của quốc tế với các chứng nhận hữu cơ (USDA Organic của Hoa Kỳ, Organic Farming của Châu Âu, JAS của Nhật…).
Nắm bắt được nhu cầu về an toàn lương thực thực phẩm và nhằm khẳng định năng lực sản xuất của các đơn vị Việt Nam trong khả năng phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao, tiêu chuẩn quốc tế; ngày 12.05.2016 Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo quốc tế về “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam và giải pháp thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ”. Đây là lần đầu tiên cơ quan cao nhất của ngành nông nghiệp và khoa học của Việt Nam chính thức cùng với các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế nhận diện khả năng của Việt Nam trong việc tiếp cận nhu cầu về nông sản chất lượng cao của thế giới. Cũng trong hội nghị này, lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh Tây Ninh đã tham dự và đăng ký là Tỉnh đi đầu trong việc tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng an toàn, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao và hoàn thiện chuỗi giá trị.
Với những quyết tâm ấy, vào tháng 6 năm 2016, nhân chuyến thăm và làm việc của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng tại Tây Ninh, lãnh đạo tỉnh đã trình bày và xin thông qua chủ trương phát triển với trọng tâm trong ngành nông nghiệp hướng đến thị trường quốc tế. Bằng việc thăm quan và khảo sát thực địa các mô hình Cánh đồng mẫu lớn hàng ngàn hecta ứng dụng công nghệ của John Deere, Valley của Mỹ trong tưới tiêu, sản xuất; Tổng Bí Thư đã nhận thấy năng lực hiện thực hoá mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp của Tỉnh Tây Ninh và tán thành chủ trương này.
Để chuẩn bị cho lãnh đạo của Tỉnh khi bước vào một hướng đi mới, vào tháng 7 năm 2016, Tỉnh uỷ và UBND Tỉnh Tây Ninh đã tổ chức 2 đoàn cán bộ đi thăm quan, học tập tại Tỉnh Lâm Đồng về các mô hình nông nghiệp trong sản xuất, chế biến, thu mua với các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, Organic. Đoàn cán bộ đã được cập nhật thông tin mới nhất về các phương thức phát triển nông nghiệp, những điểm mạnh cần học từ Lâm Đồng và những điểm cần tránh như sử dụng quá nhiều hoá học trong sản xuất, từ đó nhìn thấy cơ hội của Tỉnh dù đi sau nhưng có cơ hội được làm từ đầu với các công nghệ mới nhất, với hướng đi tập trung vào sản xuất sạch, an toàn, hữu cơ, hạn chế sử dung hoá học; đồng thời thay đổi cuộc sống của đại bộ phận người dân trong tỉnh mà gần 65% là nông dân.
Trong 4 tháng cuối năm 2016, với định hướng trên, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT, Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh Tây Ninh nghiên cứu phát triển mô hình kinh tế trong nông nghiệp, lấy thị trường làm mục tiêu; đồng thời, tổ chức đón tiếp và đi làm việc với hàng chục phái đoàn trong nước và quốc tế về phát triển mô hình kinh tế trong nông nghiệp, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, trong đó phải kể đến: phái đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT cùng Chủ tịch Tỉnh Tây Ninh dẫn đầu đi Hoa Kỳ xúc tiến thương mại, đầu tư cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ của Việt Nam vào tháng 9 năm 2016; phái đoàn của Kiag – CHLB Đức; Chợ đầu mối OTA và Tập đoàn Daiki của Nhật Bản vào tháng 9, 10/2016; phái đoàn của Phó Thị trưởng Sacramento – California, phái đoàn của Tập đoàn UTC – Carrier của Hoa Kỳ vào tháng 11, Hội nghị thượng đỉnh về phát triển Chuỗi cung ứng lạnh (cold chain) vào tháng 12 tại Singapore do Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Tây ninh dẫn đoàn…
Song song với các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại; Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh Tây Ninh cũng góp phần vào việc hình thành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong phát triển nông nghiệp. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương IV 2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Trung ương đặc biệt nhấn mạnh, nền nông nghiệp nhiệt đới với nhiều tiềm năng, lợi thế của nước ta cần được quan tâm đầu tư, cơ cấu lại hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái bền vững, hiệu quả; phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm sạch, an toàn và nông sản thực phẩm hữu cơ phục vụ đời sống nhân dân và xuất khẩu”. Trong bài phát biểu của mình tại Phiên họp Quốc hội ngày 22/10/2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nêu rõ 03 khu vực của nền kinh tế cần tập trung đẩy mạnh trong quá trình tái cơ cấu là nông nghiệp, du lịch và công nghệ thông tin, trong đó đặc biệt “là thế mạnh về nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp chất lượng cao”.
Một số chủ trương, chính sách thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp, chuỗi giá trị nông nghiệp đã được thông qua tạo nền tảng các cơ quan ban ngành, các tỉnh thành bắt tay vào công tác tái cơ cấu nông nghiệp đặc biệt phối hợp với các doanh nghiệp cùng đầu tư vào hoàn thiện chuỗi giá trị nông sản theo tiêu chuẩn quốc tế, ứng dụng công nghệ cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu:
- 05.07.2016: Thông báo số 164/TB-VPCP của Văn phòng chính phủ ngày 05 tháng 07 năm 2016 về các kết luận của Phó thủ tướng chính phủ Vương Đình Huệ tại Hội nghị sơ kết thực hiện 06 tháng đầu năm, nhiệm vụ 06 tháng cuối năm 2016 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
- 16.08.2016: Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng chính phủ về Phê duyệt Chương trình Mục tiêu Quốc gia Xây dựng Nông thôn mới Giai đoạn 2016 – 2020.
- 01.09.2016: Công văn số 489/VPĐP-NV của Ban chỉ đạo Trung ương các chương trình Mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016 – 2020, Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương về việc phối hơp xây dựng và tổ chức hoạt động Trung tâm đầu mối nông sản thực phẩm sạch;
- 17.10.2016: Công văn số 664/VPĐP-NV của Bộ Nông nghiệp và PTNT- Văn phòng điều phối Nông thôn mới Trung ương về việc triển khai công tác xây dựng tổ chức hoạt động Trung tâm đầu mối nông sản thực phẩm sạch;
- 05.11.2016: Nghị quyết số 06-NQ/TW Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng Khóa XII về việc “tập trung phát triền ngành nông nghiệp với các sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, nông nghiệp hữu cơ, có năng suất cao, có giá trị lớn và có khả năng xuất khẩu phù hợp với biến đổi khí hậu và môi trường sinh thái. Khuyết khích phát triển bền vững kinh tế tập thể, nòng cốt là hợp tác xã kiểu mới… góp phần hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, tiêu dùng và xuất khẩu”
Như vậy, sau một thời gian nghiên cứu, thực nghiệm, tổ chức các hội thảo chuyên ngành, khảo sát thực tế trong và ngoài nước cùng với các chuyên gia trong nước và quốc tế, các chính quyền địa phương các tỉnh thành; Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ đã và đang phối hợp cùng với Bộ Nông nghiệp và PTNT, các Bộ Ban ngành, Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh Tây Ninh, các chuỗi bán lẻ và các doanh nghiệp cùng phát triển mô hình kinh tế chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường thế giới trên nền tảng logistics, thực hiện thí điểm tại Tây Ninh.
Ngày 06 tháng 01 năm 2017, tại Tây Ninh, Đồng chí Nguyễn Văn Bình – Trưởng ban Kinh tế Trung ương & Đồng chí Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT tổng kết và công bố Mô hình Chuỗi giá trị Nông nghiệp Hội nhập thị trường thế giới trên nền tảng logistics thực hiện mô hình điểm tại Tây Ninh trong ngành rau củ quả.
B. Định hướng chiến lược và tổng mức đầu tư:
Tầm nhìn của chiến lược này tới năm 2021 là Tây Ninh Trở thành thủ phủ xanh dẫn đầu ngành rau củ quả tại Việt Nam và khu vực, và xây dựng thương hiệu cho Tây Ninh địa chỉ tin cậy trong sản xuất, chế biến ngành rau củ quả trên bản đồ thế giới theo Mô hình chuỗi giá trị, với các mục tiêu sau:
– Nâng cao thu nhập và đợi sống cho người nông dân và góp phần tăng GDP của người dân từ 1,490 lên 5,000 USD / người sau 5 năm.
– Đóng góp 5 tỷ USD vào GDP của tỉnh Tây Ninh trong lĩnh vực nông nghiệp.
– Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo mô hình chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao hội nhập thị trường thế giới.
Để thực hiện được chiến lược này, Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Tây Ninh thực hiện theo từng giai đoạn đồng thời huy động các nguồn lực xã hội phục vụ cho chuỗi với dự kiến tổng mức đầu tư vào chuỗi đạt khoảng 36.000 tỷ đồng. Trong đó đầu tư cho ngành rau củ quả sẽ chiếm gần 50% với 6.700 tỷ cho vùng trồng và trung tâm hỗ trợ nông dân, với 6.000 tỷ cho nhà máy chế biến và chợ đầu mối, nhà máy vật tư nông nghiệp, thị trường và các nguồn lực khác khoảng 5.000 tỷ đồng.
C. Các doanh nghiệp tham gia chuỗi:
Mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp là mô hình kinh tế trong nông nghiệp lấy định hướng thị trường làm mục tiêu. Dựa trên nhu cầu thị trường từ các hợp đồng trong nước và quốc tế được ký kết, doanh nghiệp xác định các loại sản phẩm cần cung cấp cho thị trường, sản lượng và chất lượng cần. Từ đó, xác định khu vực vùng trồng phù hợp, diện tích cần phát triển, tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ cho các đơn hàng này. Như vậy, các hoạt động sản xuất luôn luôn có định hướng thị trường, cung cấp đủ nhu cầu, không tạo dư thừa, lãng phí và tạo ra giá trị cao cho người nông dân, doanh nghiệp sản xuất.
Trong mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao, các tiêu chuẩn quốc tế trong sản xuất và chế biến như GlobalGAP, Organic, HACCP, ISO 22000… phải được áp dụng để từ đó nông sản Việt Nam tạo được chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng trong nước và thị trường quốc tế, từ đó thâm nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài việc đảm bảo được hệ thống chất lượng cao, minh bạch; ứng dụng công nghệ kỹ thuật hiện đại, công nghệ sinh học mới trong các khâu của nuôi trồng từ giống, cải tạo đất, phân bón … cho tới khâu thu hoạch, bảo quản, vận chuyển và tiêu thụ. Đó là cách thức đi tắt đón đầu để tối ưu lợi thế của người đi sau so với các nước có nền nông nghiệp đã phát triển nhiều năm và đang chiếm lĩnh thị trường thế giới như Thái Lan, Philippine. Chất lượng nguồn nhân lực cũng được nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, vận hành hệ thống của chuỗi giá trị nông sản thông qua các chương trình huấn luyện nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp trong tất cả các mảng liên quan như kinh tế, thị trường, thương mại, marketing, công nghệ…
Trong khung phát triển đó, các khâu của chuỗi giá trị nông sản được phối hợp đầu tư phát triển đúng mức từ phía nhà nước và doanh nghiệp với việc hình thành các dự án, công ty phụ trách trong chuỗi:
– Vật tư nông nghiệp: trung tâm phát triển giống, nhà máy phân bón, nhà máy nông cụ… được hình thành và phát triển với sự tham gia của các đối tác lớn trong các ngành với tư cách nhà đầu tư, đơn vị hợp tác chuyên môn, ví dụ như: Đạm Cà Mau, Viện Giống Cao Hùng – Đài Loan, Công ty HM.Clause của Pháp, Công ty Nông Cụ Hàn Quốc…
– Vùng trồng sản xuất: được tái cơ cấu phù hợp với nhu cầu định hướng chất lượng của thị trường thông qua các kế hoạch của các đơn vị thu mua, nhà máy chế biến, đơn vị bán lẻ từ đó xây dựng kế hoạch sản xuất đảm bảo được yếu tố bền vững, ổn định cho đời sống của nông dân và đảm bảo yếu tố đầu vào nguyên liệu cho các doanh nghiệp sản xuất. Vùng trồng được chia làm hai cơ chế, vùng trồng trực thuộc nhà máy và vùng trồng liên kết với nông dân. Trong mô hình liên kết, ưu tiên hợp tác với các đơn vị trực thuộc nhà nước có quỹ đất rộng, tập trung để tạo sự ổn định ban đầu và sự dẫn dắt cho cộng đồng; sau đó đến các nông dân có diện tích đất lớn và năng lực tài chính ổn định. Đối với nông dân có diện tích đất dưới 10ha, hỗ trợ thành lập các HTX kiểu mới tập trung thành 10ha trở lên để sản xuất, chuỗi gía trị sẽ hướng dẫn phát triển mô hình kinh tế và kế hoạch trồng trọt cho phù hợp.
Cơ cấu vùng trồng kết nối nông dân tham gia như sau:
– Hệ thống trung tâm hỗ trợ nông dân: là nơi cung cấp thông tin, hướng dẫn, huấn luyện và đồng hành cùng nông dân tổ chức sản xuất theo kế hoạch đảm bảo chất lượng đề ra. Trung tâm hỗ trợ nông dân truy xuất nguồn gốc minh bạch. Đây cũng là nơi giới thiệu và giúp nông dân tiếp cận các sản phẩm vật tư nông nghiệp; và sử dụng các nông cụ, máy móc, thiết bị hiện đại thông qua các hình thức thuê mua phù hợp với năng lực và quy mô của từng đơn vị sản xuất, chế biến. Sản phẩm được sản xuất theo sự hướng dẫn sẽ được kiểm tra chất lượng và thu mua toàn bộ để chuyển về hệ thống chợ đầu mối; Trung tâm còn có các công tác hỗ trợ tín dụng cho nông dân để giúp mỗi hộ nông dân, hợp tác xã là một đơn vị kinh doanh được quản lý bài bản và tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi của chính phủ, các ngân hàng, các quỹ hỗ trợ. Hệ thống trung tâm được đặt tại các trung tâm các vùng trồng để thuận lợi cho quá trình hướng dẫn, thu mua; ví dụ tại Tây Ninh tại 9 huyện sẽ có 9 trung tâm.
Nông dân tham gia vào vùng trồng trở thành những Nhà cung cấp và phải được huấn luyện và theo các bước như sau:
– Mô hình Chợ/Trung tâm đầu mối nông sản được phát triển theo mô hình hiện đại của Nhật Bản là nơi:
• Tập trung nông sản, phân loại theo các đơn hàng đã được đặt trước, hoặc sau khi đặt trong các phiên giao dịch.
• Tổ chức các phiên giao dịch nông sản công khai, minh bạch về giá với hệ thống công nghệ được tổ chức bài bản, hiện đại.
• Tổ chức các hoạt động hậu cần giao nhận; tổ chức kiểm tra, giám sát thị trường.
– Nhà máy chế biến nông sản: là đơn vị dẫn dắt của Chuỗi giá trị nhằm mục đích gia tăng giá trị cho nông sản, bao tiêu sản phẩm vùng trồng và đảm bảo đầu ra:
• Phát triển thị trường trong nước và quốc tế, đảm bảo các hợp đồng đầu ra.
• Phối hợp với chính quyền các địa phương quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu tập trung, ổn định, chất lượng cao phục vụ cho các đơn hàng lớn trong và ngoài nước.
• Đồng thời, hợp đồng mua nông sản bao tiêu toàn bộ vùng trồng gia tăng nguồn nguyên liệu đầu vào phong phú, ổn định.
• Tổ chức sản xuất các loại hình sản phẩm đa dạng, phong phú như sản phẩm tươi, đông lạnh, sấy khô và nước ép để gia tăng tối đa giá trị của sản phẩm.
• Sử dụng những công nghệ hiện đại nhất trên thế giới đảm bảo chất lượng sản phẩm phục vụ cho thị trường quốc tế.
– Kênh phân phối: theo các hợp đồng đã ký kết và hợp tác chặt chẽ với các kênh phân phối trong và ngoài nước để đưa sản phẩm của chuỗi thâm nhập vào thị trường trong nước và quốc tế.
D. Các nguồn lực phát triển:
Các nguồn lực xã hội như chính sách của nhà nước, tài chính tín dụng và nguồn vốn đầu tư, hàng rào kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, logistics và nguồn nhân lực được tối ưu tham gia vào chuỗi giá trị nông nghiệp công nghệ cao và liên kết với các thành phần của chuỗi để tạo nên sức mạnh cộng hưởng phát triển toàn diện nhất.