VIỆN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP HỮU CƠ

Đồng Tháp cộng thêm gì vào PCI?

Với thế hệ lãnh đạo năng động, dấn thân, Đồng Tháp đang hướng tới một cuộc thay đổi ngoạn mục với nông nghiệp công nghệ cao. Từ quyết tâm tới thực tiễn liệu có độ vênh hay không?

Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, phát biểu với báo giới: “Phải thấy rằng PCI rất đáng được xem như một ‘hàn thử biểu’ đo lường thái độ của doanh nghiệp đối với chính quyền, để chính quyền ‘bốc thuốc’ và ‘dùng thuốc’ phù hợp cho những trường hợp ‘nóng sốt’ cần điều trị và phòng ngừa giúp cơ thể, môi trường đầu tư của địa phương mình phát triển lành mạnh, hấp dẫn các nhà đầu tư”.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan (trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Dương trong chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư Đồng Tháp tại TP.HCM tháng 12.2017

Bài toán logistics

Thực ra thang đo PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) chỉ là điều kiện cần, không phải cây đũa thần tạo ra hấp lực đủ mạnh với nhà đầu tư. Chín năm liên tiếp, Đồng Tháp luôn nằm trong top 5 PCI. Tuy nhiên, những cánh chim đầu đàn vẫn chưa đáp xuống vùng đất sen hồng. Điểm số bình quân của Đồng Tháp theo thang đo PCI dao động quanh mốc 65 điểm (2008-2016). Ghi nhận cố gắng duy trì vị trí trong tốp đầu nhưng quan sát diễn biến trong chuỗi thời gian gần một thập niên mang lại cảm giác nỗ lực cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền tại Đồng Tháp sắp tới hạn. Cũng phải nói thêm rằng PCI đo lường chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền địa phương trong ngắn hạn (1 năm).

Không phải ngẫu nhiên mà nhóm điều tra PCI đính kèm bộ chỉ số “cơ sở hạ tầng” gồm: (1) khu công nghiệp; (2) đường giao thông; (3) các dịch vụ công cộng (viễn thông, năng lượng); và (4) công nghệ thông tin. Bốn chỉ tiêu thành phần này chỉ có thể cải thiện trong trung và dài hạn. Áp dụng bộ chỉ số đính kèm, Đồng Tháp chưa từng có mặt trong tốp 5. Quanh đi quẩn lại vẫn chỉ là những gương mặt quen thuộc như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh thay nhau đổi ngôi. Đây cũng là những địa phương nằm trong danh sách 13 tỉnh, thành trên cả nước có thặng dư ngân sách. Hãy xem trường hợp của Quảng Ninh. Tự chủ ngân sách cho phép Quảng Ninh đàm phán với chính quyền Hải Phòng hỗ trợ công tác giải phóng mặt bằng trong ranh giới hành chính của thành phố này để Quảng Ninh đầu tư đoạn đường cao tốc từ Vân Đồn, nối vào trục cao tốc Hà Nội – Hải Phòng do Chính phủ đầu tư. Rõ ràng, Quảng Ninh không giấu diếm ý đồ rút ngắn thời gian di chuyển đến trung tâm kinh tế lớn nhất phía Bắc.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Hùng giới thiệu sản vật Đồng Tháp với ông Richard Courey, 

Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VTG

Những sản phẩm chủ lực của Đồng Tháp đều đến từ khu vực nông nghiệp. Bên cạnh cá tra đứng đầu cả nước với kim ngạch khoảng 630 triệu USD/năm và lúa gạo (100 triệu USD/năm), xoài, lúa (giống) Nhật cùng hoa kiểng là những ngành hàng trọng tâm tái cơ cấu theo hướng chế biến sâu. Xem ra, Đồng Tháp không có nhiều lựa chọn ngoài kinh tế nông nghiệp. Giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị nông nghiệp tùy thuộc vào cách địa phương giải bài toán hóc búa logistics. Ngắn gọn, nguồn lực từ đâu?

Hướng đi và kì vọng

“Lộ thông tài thông” là nhận định của chuyên viên kinh tế Phan Chánh Dưỡng. Tuy nhiên, đầu tư vào cơ sở hạ tầng là câu chuyện “lực bất tòng tâm” không phải của riêng Đồng Tháp. Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Nam bộ nói chung vẫn chưa phải là khu vực được Chính phủ ưu tiên ngân sách cho đầu tư phát triển. Nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ không theo kịp nhu cầu phát triển, đặc biệt là trong bối cảnh túi tiền quốc gia thắt chặt, áp lực nợ công cao. Giao thông thủy có lẽ là lựa chọn khả dĩ để Đồng Tháp kết nối với đầu tàu kinh tế TP.HCM. Hệ thống sông ngòi, kênh rạch chằng chịt không chỉ là nguồn tài nguyên phục vụ phát triển nông nghiệp, mà còn là mạch máu giao thương truyền thống của cả đồng bằng.

Được biết, lãnh đạo Đồng Tháp đã ký biên bản ghi nhớ với Vision Transportation Group (VTG) có trụ sở tại Canada. Trong 25 năm qua, VTG đã thực hiện 165 dự án cơ sở hạ tầng tại 42 quốc gia. Đối tác tiềm năng này thể hiện thái độ quan tâm nghiêm túc bằng bản kế hoạch hành động từng trình bày trực tiếp với lãnh đạo Đồng Tháp hồi tháng 12.2017. Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc VTG là Richard Courey cho rằng tăng cường sức mạnh cho hệ thống vận tải thủy nội vùng, kết nối với TP.HCM (vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là cảng trung chuyển quốc tế) đóng vai trò xương sống, kết hợp với vận chuyển đường bộ, đường sắt. Nhà đầu tư này còn quan tâm đến sân bay Cần Thơ theo hướng mở rộng năng lực vận tải hàng hóa. Mạng lưới giao thông hoàn chỉnh tăng sức cạnh tranh cho chuỗi giá trị nông sản. Nước nổi bèo nổi. Đây còn là cơ sở để kỳ vọng những cánh chim đầu đàn sẽ bay về Đồng Tháp.

Các nhà đầu tư khảo sát về du lịch, nông nghiệp tại Đồng Tháp

Gần 23.900 tỉ đồng vốn đầu tư và cam kết đầu tư vào Đồng Tháp được công bố tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh này hồi tháng 12.2017. Mục tiêu chung của địa phương đến 2020 là phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao. Địa phương khuyến khích nhà đầu tư xây dựng các tổ hợp công – nông nghiệp/cụm công nghiệp dịch vụ phục vụ nông nghiệp; trung tâm cơ khí phục vụ nông nghiệp; đưa nông sản vào hệ thống phân phối/tiêu thụ trong và ngoài nước; xây dựng thung lũng lúa gạo, san bằng đồng ruộng; nhà máy chế biến trái cây (đặc biệt là xoài); chế biến nông sản và phụ phẩm nông nghiệp. Đây đều là những mảnh ghép cần thiết hoàn thiện, nâng cấp chuỗi giá trị nông sản định hướng cạnh tranh quốc tế.

Một mảng dịch vụ mà giới đầu tư có thể hào hứng là du lịch nông nghiệp, chú trọng khai thác lợi thế của làng hoa kiểng Sa Đéc. Sản phẩm này thuận theo lộ trình “một hành trình ba điểm đến” mà Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang hợp tác. Sáng kiến du lịch trải nghiệm tiểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhằm tận dụng tài nguyên bản địa đặc hữu là hệ sinh thái ngập nước Đồng Tháp Mười. “Muốn đi xa, phải đi cùng nhau”, ông Lê Minh Hoan mượn câu ngạn ngữ châu Phi.

Một chuyên gia kinh tế thuộc tổ tư vấn của Thủ tướng đương nhiệm nhiều lần phát biểu rằng “không phải chi phí cao, tính bất định mới là điều khiến doanh nghiệp sợ nhất”. Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2017, ông Lê Minh Hoan đã dành gần như toàn bộ thời lượng trong bài phát biểu của mình để phát đi thông điệp “đầu tư vào Đồng Tháp không ngại tư duy nhiệm kỳ”: “Chúng tôi cam kết sẽ không để sự ngắn hạn ảnh hưởng đến mục tiêu dài hạn và nhất định không để nhà đầu tư thất bại vì lý do này. Tôi có niềm tin rằng, đội ngũ lãnh đạo kế thừa sẽ tiếp nối và làm cho chủ trương đồng hành ngày càng lan tỏa”.

Nguồn: Tạp chí Nhà Quản lý (Mậu Tuất 2018)