Canh tân ở hội quán xanh

Ở hội quán do nông dân điều hành, ông Bí thư Tỉnh ủy cùng ngồi bàn luận với những người dân từng một thời chân đất. Hình ảnh này minh họa sống động cho cuộc đổi thay nơi xứ sở Sen hồng.

Nông dân Đồng Tháp đang chọn một phương thức tiếp cận mới đối với nông nghiệp.

KHƠI DẬY LÒNG TỰ TRỌNG

Tỉnh Đồng Tháp đi đầu trong việc tập cho nông dân làm quen với khái niệm nông nghiệp công nghệ cao bằng việc tổ chức các Hội quán nông dân. Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan đã ưu tiên chọn chỗ nghỉ ngơi ngoài giờ làm việc ở những nơi như vậy.

Ở đó ông Hoan đánh thức nông dân không bằng nghị quyết, chỉ đạo mà là những video clip ngắn ông sưu tầm được. Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán (nhóm nông dân ấp Tân Hậu, xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh), là một trong số những nông dân đã choàng tỉnh bởi tác động của những clip mà ông Bí thư Tỉnh ủy đã đem đến chiếu tại chỗ. “Ông Sáu Hoan đích thân cho chúng tôi xem đoạn clip để nhìn thấy nông dân Hàn Quốc bắt đầu bằng việc chịu thương chịu khó. Ngắn thôi nhưng cũng đủ để chúng tôi nhận ra khoảng bốn mươi năm trước, nông dân Hàn Quốc cũng chỉ tầm tầm nông dân Việt Nam. Giờ nhìn lại thì họ đa phần là những ông chủ giàu có, còn nông dân xứ mình không ít người còn đi làm công”, ông Những băn khoăn. Còn nông dân Lê Phước Tánh, Phó chủ nhiệm Thuận Tân hội quán (ấp Tân Dân, xã Tân Thuận Tây, TP. Cao Lãnh) tâm sự: “Năm ngoái mình xuất khẩu rau quả tăng vọt, nhưng chưa kịp mừng thì lại thấy hình ảnh mình xuất khẩu một xe rau quả thì cùng lúc phải nhập vào tới hai xe”.

“Nông dân mình chăm chỉ, siêng năng nhưng khổ nỗi là không biết đoàn kết cùng hành động vì mục tiêu chung. Thấy vậy đêm nằm tự hỏi chuyện đã sờ sờ ra vậy sao mình không biết bắt chước và thử đặt giả thiết nếu cứ làm ăn như vầy hoài, đất ngày một hẹp do người đông thì chắc chắn mình chỉ còn con đường nghèo hơn thôi chứ không khá nổi”, nông dân Đặng Văn Những trăn trở. Tự ái dân tộc thôi vẫn chưa đủ. Nhà sư Thích Thiện Xuân, trụ trì chùa Hồng Liên, Phó chủ nhiệm Tâm Quê hội quán còn giúp nông dân hướng thiện trong sản xuất bằng cách làm ra các sản phẩm không mang độc tố từ thuốc bảo vệ thực vật. Một phần công việc hành đạo của nhà sư là giúp nông dân tự vấn vì sao lại làm cái việc hại dần đồng loại bằng sản phẩm do mình làm ra. Nông dân không chỉ dùng phân bón, nông dược trong sản xuất mà còn phải sử dụng cả cái “tâm”.

NÔNG DÂN 4.0

Nông dân Lê Phước Tánh, Phó chủ nhiệm Thuận Tân hội quán, thừa nhận nông dân vẫn chưa thể hiểu hết công nghệ 3.0 hay 4.0 là gì trừ những cán bộ khuyến nông được dự tập huấn. Đơn giản nhất mà họ có thể nhận ra và hiểu được, đó là một số công nghệ mới được ứng dụng vào quy trình canh tác như tưới nước, phun thuốc điều khiển từ xa…

Theo ông Tánh, công nghệ cao là những phương thức hỗ trợ nông dân giảm bớt cơ cực trong quá trình sản xuất và hiệu quả có thể đạt cao hơn. Công nghệ giúp suất đầu tư nhỏ hơn nhưng sản phẩm thu được ngon hơn, sạch hơn; trong mua bán phải đảm bảo chuẩn hàng hóa trên một thị trường văn minh hơn, an toàn hơn. Trong sản xuất cần có sự tính toán khoa học để đảm bảo càng nhiều tiêu chí càng tốt nhưng phải đạt mục tiêu lợi nhuận.

Thị trường luôn là sự cạnh tranh không khoan nhượng giữa nông sản trong nước và nhập ngoại. Một người tiêu dùng miền Bắc từng nói rằng khi mua trái cây trong nước ăn xong, đợi khoảng nửa tiếng, nếu không có chuyện gì xảy ra mới yên tâm. Chính sự nghi ngờ đã kéo người tiêu dùng Việt Nam đến gần hơn với trái cây nhập khẩu. Điều này giải thích tại sao xoài Thái Lan dù phải vượt qua lãnh thổ Campuchia vẫn có thể nằm chễm chệ trên kệ hàng trái cây của xứ xoài Cao Lãnh. Ông Lê Minh Hoan đã kể lại cảm xúc của mình khi nghe một chuyên gia Thái Lan thách đố các nhà vườn Cao Lãnh bắt kịp Thái Lan! “Chuyện quy trình canh tác không quá khó nhưng nông dân Thái Lan đã làm được, còn nông dân mình thì chưa”, ông Hoan thừa nhận.

Câu chuyện một Việt kiều Đức về đầu tư nhà máy chế biến ở huyện Thanh Bình đã cho thấy có lòng yêu nước cũng đành chịu khi nhà đầu tư này phải mua xoài nguyên liệu từ Thái Lan, Campuchia để sản xuất do xoài Cao Lãnh giá cao hơn. “Mình mời gọi đầu tư để giải quyết trái xoài địa phương nhưng cuối cùng lại phục vụ cho các nước láng giềng. Đó là nỗi đau”, ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

Tái cơ cấu nông nghiệp của Đồng Tháp nằm gọn lỏn trong 6 vấn đề: “Hợp tác – liên kết – thị trường” và “Giảm chi phí – Nâng cao chất lượng – Tăng cường chế biến tinh”. Sáu vấn đề đó phải bắt đầu từ sự hợp tác giữa nông dân. Không hợp tác với nhau, mạnh ai nấy làm thì đối mặt với muôn vàn rủi ro. Chi phí sẽ cao; chất lượng không đồng đều; rồi còn cạnh tranh mua, bán với nhau. Rốt cuộc tất cả đều thua thiệt! Đó là cách nói của nhà quản lý. Còn nông dân Đặng Văn Những thì thẳng thắn: “Chỉ còn hai lựa chọn cho nông dân: thay đổi để phát triển hoặc bảo thủ để chết chùm” và thừa nhận: “Hiệu quả ghi nhận được là thông qua những buổi họp mặt tại hội quán, nông dân biết bàn bạc, cùng nhau cải tổ lại cách làm ăn, nương tựa vào nhau trong sản xuất, bởi nông dân dần nhận ra nhược điểm của phương pháp canh tác truyền thống”. Trong tình huống xấu nhất, ông Những ước tính, có thể 2 – 3 năm đầu nông dân chấp nhận lỗ, nhưng sản phẩm làm ra tạo được thiện cảm với người dùng. Sau giai đoạn này thì bắt đầu thu lợi. Điều đó sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, kích thích những nông dân bảo thủ “lội nước theo sau”.

ĐỒNG HÀNH CÙNG NÔNG DÂN

Ông Nguyễn Phước Thiện, Phó chủ tịch UBND TP.Cao Lãnh, tiết lộ đầu năm 2018, một dự án sơ chế, bảo quản trái xoài sau thu hoạch sẽ được xúc tiến đầu tư tại Cao Lãnh. Mục tiêu tại chỗ của dự án là nâng giá trị xoài thêm 1.000 – 2.000 đồng/trái, tạo nguồn hàng hóa xuất khẩu tiếp sau lô xoài đầu tiên xuất sang Mỹ đang được gấp rút chuẩn bị. Đó là phần việc làm tăng giá trị nông sản ở khâu trung gian.

Đối với nhà sản xuất, Bí thư Lê Minh Hoan đề cao việc hiện thực hóa ý tưởng từ câu chuyện “Cây xoài nhà tôi” ở Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh) đã truyền cảm hứng để bà con triển khai “Cây cam vườn tôi” (TP.Cao Lãnh). Một nông dân khác hứa sẽ mần tiếp “Cây nhãn nhà tôi” nữa! Vậy là, cảm hứng của người này đã truyền cho người khác và đang lan tỏa trên mảnh đất Sen hồng. Theo ông Hoan, “Cây xoài nhà tôi”, “Cây cam nhà tôi” hay mai này là “Cây nhãn nhà tôi”, “Liếp rau nhà tôi”… chính là câu chuyện biết phát huy tài nguyên bản địa kết hợp với sức mạnh công nghệ. Đó là văn minh thương mại, là văn hóa kinh doanh. Chiều sâu của nó chính là kết nối giữa người bán và người mua. Người bán không chỉ bán cây xoài, cây cam, cây nhãn, liếp rau mà là bán cả trách nhiệm phải bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng. Đó là một cách làm sáng tạo và phù hợp để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Trong chuyến làm việc hồi tháng 12.2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm một số điểm sáng nông nghiệp công nghệ cao; 29 hội quán nông dân (tính tới đầu năm 2018) cũng được nhắc đến. Thủ tướng bày tỏ sự khen ngợi và động viên nông dân Đồng Tháp đã đi đầu vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong các mô hình tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Đây là nguồn động viên rất lớn cho nông dân tỉnh, để họ tiếp tục giữ vị trí tiên phong bằng những mô hình hội quán nông dân.

Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý (Mậu Tuất 2018).

Bài viết liên quan