Ngày 18/4/2018, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Thúc đẩy chăm sóc, tiêu thụ vải, nhãn tại một số tỉnh trọng điểm phía Bắc năm 2018. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường tham dự chỉ đạo Hội nghị.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, chỉ với diện tích trồng rau quả và trái cây khoảng 1,8 triệu ha, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 là 3,45 tỷ USD. Tổng thương mại toàn cầu riêng về rau quả và trái cây khoảng 230 tỉ USD/ năm. Tốc độ tăng trưởng thương mại toàn cầu của rau quả hàng năm là 3 – 5%. Do đó, việc phát triển ngành rau quả và trái cây còn nhiều dư địa. Cây ăn quả là một loại cây mang lại giá trị kinh tế lớn, trong đó nhãn, vải là cây trồng chủ lực của nhiều tỉnh miền Bắc như Hưng Yên, Hải Dương với chất lượng tốt. Diễn biến tình hình thời tiết năm nay rất thuận lợi cho sự phát triển của nhãn và vải. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương, từ tháng 12/2017 đến khoảng giữa tháng 2/108 đã có 9 đợt không khí lạnh với nhiệt độ thấp nhất vùng đồng bằng phổ biến từ 8 – 120C, đây là nhiệt độ tối ưu cho sự phân hóa mầm hoa. Tỷ lệ đậu quả năm nay rất cao. Tuy nhiên, Bộ trưởng khuyến cáo các cấp, các ngành các địa phương không được chủ quan với diễn biến thời tiết phức tạp trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Bộ trưởng đánh giá cao sự chủ động của các địa phương trong công tác chăm sóc, tiêu thụ vải, nhãn. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng chúc mừng các nhà khoa học đã thành công trong việc lai tạo các giống nhãn, vải năng suất cao, chất lượng tốt. Bộ trưởng mong muốn các nhà khoa học, các doanh nghiệp tiếp tục tham gia vào các khâu chọn tạo giống nhãn, vải thích ứng với từng vùng.
Khung cảnh Hội nghị
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết thời tiết từ tháng 3 tới tháng 5 năm nay được dự báo thuận lợi cho vải, nhãn nở hoa, đậu quả và phát triển. Hiện tỉ lệ cây ra hoa, đậu quả đạt trên 90%, hứa hẹn được mùa vải, nhãn.
Tỉ lệ tiêu thụ vải nhãn ở thị trường nội địa chiếm khoảng 50% và đang có xu hướng tăng. Địa bàn tiêu thụ chính là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh. Với thị trường xuất khẩu, hiện vải tươi đã xuất khẩu tới nhiều thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Malaysia, Asean, Trung Đông…Đối với thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc, Quảng Tây thông báo tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc với hoa, quả nhậu khẩu, trong đó có Việt Nam. Từ 1/4/2018, doanh nghiệp Trung Quốc phải xin giấy phép nhập khẩu và cung cấp hình ảnh bao bì truy xuất nguồn gốc. Do vậy, cần lưu ý về bao bì đóng gói sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc.
Tại Hội nghị, Ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền, quảng bá về 2 loại quả đặc sản này, góp phần giúp nông dân tiêu thụ tốt vải, nhãn; đồng thời mong Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương hỗ trợ địa phương làm tốt công tác dự báo thị trường để việc sản xuất nhãn, vải trong những năm tới, tránh được tình trạng sản phẩm không tiêu thụ được do cung vượt cầu. Theo Ông Phóng, tỉnh sẽ tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, quảng bá xúc tiến thương mại, mời các doanh nghiệp về Hưng Yên bàn các giải pháp tiêu thụ, tổ chức hội chợ xúc tiến tiêu thụ nhãn, vải.
Ông Nguyễn Văn Phóng, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên phát biểu tại Hội nghị
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Bắc Giang cho biết thu hoạch vải chính vụ sẽ diễn ra trong giai đoạn 15/6 – 25/7. Năm nay được dự báo được mùa, tạo áp lực lớn cho Bắc Giang trong tìm kiếm và tiêu thụ quả vải. Để hỗ trợ cho người trồng vải, ngoài công tác truyền thông thường xuyên, Bắc Giang sẽ tổ chức 3 hội nghị xúc tiến: Hội nghị xúc tiến tại Bằng Tường (Trung Quốc tháng 5/2018), Hội nghị xúc tiến tại Bắc Giang tháng 6/2018, Tuần lễ vải thiều tại Hà Nội. Ngoài ra, Bắc Giang cũng đang quan tâm tới chính sách mới của Trung Quốc về nhập khẩu hoa quả. Tỉnh đề nghị Bộ NN&PTNT sớm đàm phán và hướng dẫn cụ thể cho người trồng vải Bắc Giang. Tỉnh cũng chưa có cơ hội tiếp cận các doanh nghiệp lớn cũng như mua bán chưa dựa theo các hợp đồng lớn. Do vậy, tỉnh Bắc Giang hoan nghênh các doanh nghiệp lớn tới Bắc Giang để ký hợp đồng tiêu thụ.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, tổng diện tích cây vải niên vụ năm 2018 khoảng 10.500ha, sản lượng ước tính khoảng 45.000 tấn (trong đó vải sớm 2.500ha, vải thiều 8.000ha). Tổng diện tích vải đã được cấp chứng chỉ VietGAP 300ha. Hiện quả vải đã được Cục Bảo vệ thực vật Mỹ cấp mã số vùng trồng, đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Úc, EU với tổng diện tích 131,68 ha, sản lượng đủ tiêu chuẩn xuất khẩu 1.000 tấn. Tỉnh Hải Dương rất cần các nhà khoa học vào cuộc để giúp Hải Dương bảo quản vải được lâu hơn, để xuất khẩu vải được nhiều hơn. Tỉnh Hải Dương sẽ tổ chức lễ hội vải Thanh Hà vào cuối tháng 5/2018. Tỉnh Hải Dương bày tỏ mong muốn các công ty lớn như Hapro, Đồng Giao, Co.opmart, các doanh nghiệp lớn… giúp người dân Hải Dương tiêu thụ vải.
Theo đại diện tỉnh Lạng Sơn, tỉnh đã đầu tư đường ra 12 cửa khẩu giáp Trung Quốc, xây dựng bến bãi tập kết, tạo mọi thuận lợi cho hoa quả xuất khẩu và tỉnh đang đàm phán với phía Trung Quốc để thông qua cả ngày nghỉ.
Về việc tiêu thụ vải, nhãn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị Sơn La sớm hoàn thành hai nhà máy chế biến rau quả, để giúp giảm áp lực cho người trồng.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.