Bình minh “nông nghiệp 4.0” ở vùng đất mặt trời

Chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập quốc tế đã mang lại những hiệu quả bước đầu sau một năm triển khai tại Tây Ninh. Đằng sau mô hình điểm này là câu chuyện thú vị về hành trình nâng cao năng lực cạnh tranh của một địa phương.

TỪ BƯỚC NGOẶT NHẬN THỨC…

Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang.

Ông Trần Lưu Quang, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, hơn một lần thừa nhận: “Tây Ninh tụt hậu” so với nhiều địa phương trong và ngoài vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Nhìn thẳng vào sự thật là chuyển động đầu tiên về nhận thức trong hành trình định vị lại mình. Là tỉnh biên giới, Tây Ninh cũng từng bị cuốn vào phong trào xây dựng khu kinh tế cửa khẩu. Mô hình này về cơ bản đã phá sản, lãng phí ngân sách quốc gia và nguồn lực địa phương. Vị trí địa lý bám trục đường Xuyên Á tạo ra sự hưng phấn về tinh thần nhiều hơn là hiệu quả kinh tế khi mà bên kia biên giới là Campuchia. Đạt thặng dư kim ngạch với Campuchia nhưng có thời điểm (2010) cán cân qua cửa khẩu Mộc Bài lại thâm hụt. Rút “ống thở” đối với khu kinh tế quy mô 21.300 ha này là lựa chọn dứt khoát với chủ trương duy ý chí.

Tây Ninh không dồi dào khoáng sản hóa thạch, cả về trữ lượng và giá trị. Bất lợi thế này vô hình trung giúp địa phương tránh được “lời nguyền tài nguyên”, mô hình được hai kinh tế gia Max Corden và S. Peter Neary lập xây dựng từ năm 1982, hàm ý rằng những quốc gia phụ thuộc vào tài nguyên sẽ tăng trưởng chậm hơn các quốc gia phát triển khác. Chủ đề này được giới kinh tế thảo luận trong nhiều thập niên và cũng đã có những bằng chứng thực nghiệm khẳng định “lời nguyền tài nguyên” chỉ là giai thoại. Hệ thống quản trị tài nguyên kém minh bạch mới là mầm bệnh. Đáng tiếc là không hiếm địa phương trên dải đất hình chữ S vẫn đang giãy giụa trong tấm lưới lời nguyền.

Xem xét lợi thế so sánh, Tây Ninh không có cơ hội cạnh tranh ở khu vực công nghiệp trong phạm vi nội vùng. Thời may, áp lực “cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020” cũng đã được dỡ bỏ sau khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thừa nhận mục tiêu này “không đạt được” tại kỳ họp cuối cùng Khóa 13. Chủ trương này từng là một chỉ tiêu quan trọng để trung ương đánh giá năng lực điều hành của chính quyền địa phương. Tăng tỷ phần đóng góp của khu vực công nghiệp nhanh nhất là giảm tỷ phần đóng góp của khu vực nông nghiệp một cách cơ học. Hệ quả là những khu công nghiệp, khu kinh tế mọc lên trên nền đất nông nghiệp, bất chấp tỷ lệ lấp đầy.

Nhìn vào cơ cấu của ba khu vực, xem ra nông nghiệp là lựa chọn cần ưu tiên hơn đối với Tây Ninh. Diện tích đất nông nghiệp của Tây Ninh đạt 270.000ha, địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho cơ giới hóa. Lợi thế đáng kể là tài nguyên nước, đặc biệt quan trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu. ngày càng nghiêm trọng. Mạng lưới kênh rạch, đầm lầy nhận nước từ hai con sông Sài Gòn và Vàm Cỏ Đông. Ngược lên thượng lưu sông Sài Gòn là hồ Dầu Tiếng có dung tích 1,45 tỉ mét khối. Trữ lượng nước ngầm có công suất khai thác 50.000 – 100.000 m3/g đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tưới tiêu trong mùa khô. Tầng nước ngầm được bổ sung với lượng mưa trung bình hằng năm khoảng 2.000mm. Đây là nền tảng để Tây Ninh phát triển nhiều loại nông sản nhiệt đới, cụ thể là rau củ quả theo định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Vị trí phên giậu phía Tây Nam có thể được xem là một yếu tố quan trọng giúp Tây Ninh tranh thủ được sự ủng hộ từ trung ương khi đề xuất triển khai “mô hình điểm”. Chính phủ đã tăng gói tín dụng dành cho nông nghiệp công nghệ cao lên 100.000 tỉ đồng (từ mức 60.000 tỉ đồng). Bên cạnh đó, Chính phủ cam kết sẽ hoàn thiện thể chế chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc đầu tư các khu nông nghiệp công nghệ cao ở tất cả địa phương trên cả nước, và đặc biệt là “không bắt buộc phải phù hợp với Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 4.5.2015”. Hàm ý của thông điệp này là những địa phương có tên trong quy hoạch cũng không còn “rung đùi” chờ tài trợ, mà phải cạnh tranh sòng phẳng để nhận được nguồn tín dụng hữu hạn này.

Đặc biệt, mô hình điểm thuận theo tín hiệu thị trường. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ước tính năm 2017 ngành hàng này mang lại cho nền kinh tế 3,45 tỉ USD từ hoạt động xuất khẩu, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm ngoái. “Rau củ quả nhiệt đới (Việt Nam) là nông sản mà nhiều quốc gia ôn đới không tự cung ứng được” – ông Raj Sharma – Chủ tịch Sunrise Orchards (Hoa Kỳ) – phát biểu. Nhà đầu tư Hoa Kỳ này thể thiện mối quan tâm đặc biệt đối với chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập quốc tế của mô hình điểm. Ngoài nguồn tín dụng từ trung ương, sáng kiến của Tây Ninh còn nhận được sự ủng hộ của những nhà đầu tư quốc tế. Gộp lại gần 2 tỉ USD là số tiền cam kết rót vào chuỗi giá trị nông nghiệp Tây Ninh trong giai đoạn 2017-2020.

“Tỉnh quyết tâm xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao với mục tiêu phát triển bền vững và đời sống của người dân được ấm no”, ông Quang nhấn mạnh. Vào thời điểm cách đây hơn một năm, vị Bí thư Tỉnh ủy nói rằng Tây Ninh hướng tới việc xây dựng và vận hành tốt chuỗi giá trị nông nghiệp sau 2 năm nữa. …

Lãnh đạo Tây Ninh tiếp các nhà đầu tư tới tìm hiểu cơ hội hợp tác.

ĐẾN HÀNH ĐỘNG

Sau những chuyến công tác ngoại tỉnh, ông Quang thường tranh thủ chợp mắt trên xe. “Nhưng về đến Tây Ninh là tôi biết liền”, ông Quang thoải mái chia sẻ trải nghiệm cá nhân để minh họa cho chất lượng hạ tầng “dằn xóc” của địa phương mình. Một đội đặc nhiệm (task force) chuyên giải quyết những thủ tục liên quan đến đầu tư vào hạ tầng Tây Ninh được thành lập (trong số 4 đội đặc nhiệm mà Tây Ninh lập nên trong thời gian gần đây). Cách làm này gợi nhớ đến chiến dịch mà chính phủ Costa Rica áp dụng để lôi kéo Intel hồi giữa thập niên 1990. Những thông tin thâu nhận được là tập đoàn này có kế hoạch đầu tư một trung tâm nghiên cứu và phát triển tại khu vực Mỹ Latin. Một trong những ứng cử viên nặng ký nhất là Mexico, có nhiều lợi thế từ cơ sở hạ tầng, nhân lực thông thạo tiếng Anh… Ở những khía cạnh này, Costa Rica hoàn toàn lép vế. Tổng thống Costa Rica lúc đó quyết định thành lập một lực lượng có thẩm quyền đặc biệt, đặt tại văn phòng Tổng thống, thực hiện nhiệm vụ duy nhất là thuyết phục bằng được Intel vào Costa Rica. Thể chế thay đổi mạnh mẽ đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư thuộc nhóm khó tính bậc nhất thế giới đồng nghĩa với giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn thị trường tốt nhất. Từ một góc nhìn khác, Costa Rica đã mượn ngoại lực để cải cách thể chế. Bài học thành công của quốc gia Trung Mỹ là niềm cảm hứng cho những quốc gia, địa phương không có lợi thế vẫn có thể dọn ổ cho cánh chim đầu đàn.

Tham gia chuỗi tạo ra nhiều cơ hội mới cho nông dân.

Tiếp tục với câu chuyện của vùng đất mặt trời. Quan sát từ một chỉ số tương đối tin cậy là năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Tây Ninh chưa từng lọt vào tốp 10. Có vẻ như ông Quang cũng đã nhận thấy nỗ lực cải thiện năng lực điều hành bộ máy chính quyền theo quy trình không đáp ứng được nhu cầu phát triển. Những vấn đề liên quan đến hạ tầng gom về một đầu mối là cách tiếp cận sáng tạo, hiệu quả mà vẫn không vượt qua những ràng buộc về tổ chức hệ thống chính quyền.

Những chuyển động từ chính quyền đã hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với Tây Ninh. Tháng 5.2017, Lavifood khởi công nhà máy Tanifood chế biến rau, củ, quả với suất đầu tư 1.500 tỉ đồng. Đến nay, nhà máy đang dần hình thành và tháng 8.2018 sẽ đi vào hoạt động. Đây là nhà máy với công nghệ hàng đầu được nhập từ Đức, Ý, Nhật Bản, đạt tiêu chuẩn LEED Silver và là một trong những nhà máy lớn hàng đầu châu Á trong ngành chế biến rau, củ, quả. Hàng ngàn nông dân đã được truyền cảm hứng và niềm tin, bắt đầu chuyển đổi cây trồng; những cánh đồng dứa, chanh dây… đang hình thành chuyên chở theo hy vọng đổi đời. Nhớ lại lý do đầu tư nhà máy Tanifood, ông Phạm Ngô Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Lavifood, khẳng định vì tin vào cái tâm của lãnh đạo Tây Ninh nên ông đã đạt nhà máy tại tỉnh này. Cũng với niềm tin vào lãnh đạo tỉnh mà cả doanh nhân Phạm Nhật Vượng – Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – và ông Lê Viết Lam – Chủ tịch Tập đoàn Sun Group – cũng lần lượt về Tây Ninh đầu tư dự án bất động sản, khách sạn và tổ hợp du lịch lên đến hàng tỉ USD.

Tây Ninh, viết tắt là TN, được Bí thư Tỉnh ủy Trần Lưu Quang giải thích là Tầm Nhìn, là Trách Nhiệm, là Tình Người. Còn với các nhà đầu tư, khi làm việc với ông Quang, họ còn tặng thêm một TN nữa, đó là Tín Nhiệm. Cho nên Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel Nguyễn Mạnh Hùng khi đối thoại với Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh trước 500 cán bộ, doanh nhân đã nói lên rằng nhìn vào đôi mắt của Bí thư Tỉnh ủy, chính ông và nhiều người có được sự tín nhiệm lớn. Và sự tín nhiệm lớn nhất là người dân nơi đây đang tin tưởng sâu sắc vào lãnh đạo, nông dân đang phơi phới một niềm tin vào vụ mới.

Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý (Mậu Tuất 2018).

Bài viết liên quan