Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Richard Courey cho biết Tập đoàn Vision Transportation Group (VTG) sẵn sàng tham gia giải bài toán về cơ sở hạ tầng cho giao thông và logistics tại đồng bằng sông Cửu Long.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh ông Richard Courey và các doanh nhân quan tâm đầu tư vào Việt Nam tại diễn đàn rau củ quả và logistics ở Đồng Tháp hồi tháng 12.2017.
Ông đánh giá như thế nào về hiện trạng giao thông và logistics ở đồng bằng sông Cửu Long?
Rõ ràng là có rất nhiều hoạt động về logis-tics và giao thông đang diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long, với giao thông đường sông là xương sống tự nhiên cho khu vực này. Vì vậy, việc hoàn thiện hệ thống logistics và giao thông đường sông được xem là mấu chốt cho sự phát triển của cả khu vực. Chính phủ Việt Nam đã nhận ra tầm quan trọng đó, bằng chứng là một phần trong quy hoạch tổng thể của phát triển vùng đã nêu lên những nội dung nói trên. Rất nhiều công trình giao thông và logistics đã được xây dựng trong thời gian vừa qua. Cầu mới, đường sá mọc lên khắp nơi, các hệ thống tưới tiêu được cải thiện trên diện rộng. Tôi cho rằng hoạt động giao thông, logistics và nông nghiệp cũng giống như mối quan hệ trong một cuộc hôn nhân, nơi mà các thành phần có quan hệ chặt chẽ và hỗ trợ lẫn nhau. Sắp tới nhà nước cần rất nhiều khoản đầu tư hơn nữa để thúc đẩy mạnh mẽ “cuộc hôn nhân” này.
Hệ thống metro hiện đại với kinh phí lên tới 3,3 tỉ USD do VTG thực hiện ở Dubai (UAE).
Hiện giá nông sản của Việt Nam bị đẩy lên cao một phần do chi phí logistics đắt đỏ. Theo ông, cần phải chú trọng vào các mục tiêu nào trong việc phát triển logistics và giao thông để tăng cường tính cạnh tranh của nông sản Việt Nam?
Xét về truyền thống, cơ sở hạ tầng của giao thông và logistics ở vùng đồng bằng sông Cửu Long dựa vào nền kinh tế ngũ cốc. Giống cách tiếp cận truyền thống tại các nước như Canada, bước thứ nhất là trồng trọt và thu hoạch nông sản với khối lượng lớn, kế đến là tập trung tất cả về một nơi trước khi vận chuyển đến địa điểm tiêu thụ, có nghĩa là luôn tồn tại một độ trễ nào đó. Trong thời đại hiện nay, chúng ta cần phải thêm khái niệm “cung cấp kịp thời” nếu muốn chuyển từ mục tiêu sản xuất nông nghiệp theo kiểu truyền thống sang công nghiệp hóa nông nghiệp.
Sức cạnh tranh của ngành nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào tính hiệu quả của logistics và giao thông. Ở các nước phát triển, logistics chiếm từ 7-10% GDP nhưng trong trường hợp Việt Nam, con số này trung bình khoảng hơn 20%. Cần lưu ý là mức giá các mặt hàng nông sản khá ổn định nên nông dân Việt Nam khó nâng giá bán để tăng lợi nhuận. Thay vào đó, cần điều chỉnh tỷ trọng logistics và giao thông vận tải so với GDP để đạt được mục tiêu này, từ đó khuyến khích họ chuyển sang làm nông nghiệp bền vững hơn. Như vậy, chúng ta cần phải có một hệ thống giao thông vận tải tích hợp với hoạt động sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nông sản được phân phối một cách hợp lý và kịp thời.
Làm thế nào xây dựng hệ thống giao thông đường thủy trên mạng lưới sông chằng chịt theo hướng phục vụ tối ưu cho vận tải nông sản và nông nghiệp?
Chúng ta cần phải hoạch định dòng Cửu Long theo hướng có thể cho phép nhiều dạng tàu bè qua lại, từ 7.000 đến 10.000 tấn. Với từng loại sản phẩm, sẽ cần có một loại tàu phù hợp, di chuyển không những trên các tuyến sông chính mà cả những nhánh sông phụ. VTG là tập đoàn chuyên cung cấp giải pháp về giao thông và logistics, chúng tôi hoàn toàn có thể tính toán được với mạng lưới sông như vậy, cần phải có hệ thống giao thông và logistics như thế nào để phù hợp với các loại sản phẩm trong vùng.
Ông Richard Courey và các nhà đầu tư nước ngoài trao đổi về giải pháp logistics tổng thể cho ĐBSCL.
Theo ông, hệ thống giao thông và logistics nào sẽ phù hợp với hiện trạng của đồng bằng sông Cửu Long như hiện nay?
Chúng tôi tin tưởng vào bản kế hoạch “Chín Rồng” đã được trình bày tại hội thảo hồi tháng 12.2017 ở Đồng Tháp. Theo đó, các con sông lớn của khu vực đóng vai trò là xương sống, cần cải thiện luồng lạch để chúng có thể đảm nhiệm vai trò trụ cột của hoạt động vận tải trên sông. Kế đến, cần đảm bảo nông dân có thể đưa nông sản đến các cụm đầu mối, phát triển và nâng cao năng lực chế biến, đóng gói thông qua việc hình thành các hình thức hợp tác xã để có thể chuyển đổi từ nền kinh tế ngũ cốc sang các loại cây trồng hữu cơ giá trị cao. Thứ hai, cần xây một hoặc hai cảng nước sâu tại các nút giao thông trung tâm trong vùng đồng bằng sông Cửu Long để nâng cao khả năng cạnh tranh của hệ thống vận chuyển quốc tế. Cuối cùng, chúng ta hoàn tất hệ thống bằng cách kết nối đường bộ, đường sắt, cùng với các nhánh sông phụ. Chu trình lý tưởng để giảm chi phí là từ nông trại đến điểm trung chuyển, sang cảng lớn và sau đó tới điểm đến cuối cùng. Một điểm nữa là cần lưu ý đa dạng hóa năng lực sử dụng sân bay Cần Thơ, không chỉ giới hạn ở vận tải hành khách mà còn hướng đến vận chuyển hàng hóa, đặc biệt đối với các mặt hàng có chất lượng cao cần đảm bảo yếu tố giao hàng kịp thời.
Các điểm nút logistics trong kế hoạch “Chín Rồng” của VTG.
VTG đã tham gia nhiều dự án giao thông và logistics tại các nước, xin ông chia sẻ kinh nghiệm huy động nguồn vốn trong các dự án phức tạp như tại đồng bằng sông Cửu Long?
Việt Nam có lợi thế là thời tiết ôn hòa. Với định hướng hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang chuyển dần từ nền kinh tế ngũ cốc sang một nền kinh tế nông nghiệp có tổ chức, công nghiệp hóa và hữu cơ. Tất nhiên, Chính phủ Việt Nam đang đối diện với rất nhiều hạn chế về tài chính trong việc phát triển cơ sở hạ tầng phù hợp cho định hướng trên. Đối với khu vực tư nhân, chúng tôi luôn sẵn sàng đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng theo hình thức hợp đồng công-tư (PPP).
Cầu Confederation ở Canada với kinh phí 1 tỉ USD.
Rất may là Việt Nam đã thành lập cơ sở pháp lý cho PPP, cho phép chúng tôi có thể làm việc với Chính phủ (hiện chúng tôi đang làm điều đó) để xây dựng chiến lược phát triển một hệ thống giao thông và logistics theo hướng hiệu quả, khả thi. Cần lưu ý rằng điều quan trọng nhất trong tất cả nỗ lực này chính là mang lợi ích thiết thực, một cơ hội vàng cho người dân Việt Nam, đặc biệt là nông dân đồng bằng sông Cửu Long.
Xin ông chia sẻ thêm tiến độ triển khai nghiên cứu khả thi tại khu vực?
Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu khả năng thu hút đầu tư dựa trên quy hoạch tổng thể đã được phê duyệt. Sau khi thảo luận với các bên liên quan và dĩ nhiên có sự cho phép của Chính phủ Việt Nam, ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là nâng cao năng lực hệ thống đường thủy tại đồng bằng sông Cửu Long, chẳng hạn như làm sao kết nối cảng Cát Lái và cảng Cần Thơ với sân bay Cần Thơ. Thứ hai là xây dựng cảng nước sâu tại khu vực, và đây là điểm mấu chốt có thể cho phép thu hút thêm các khoản đầu tư khác. Chúng tôi cũng đang hoàn thiện nghiên cứu khả thi cuối cùng, hay theo cách chúng tôi gọi là kế hoạch hành động chi tiết. Phương pháp thực hiện kế hoạch này không chỉ áp dụng cho vùng Cửu Long mà còn phù hợp triển khai cho những nơi khác tại Việt Nam. Chúng tôi dự kiến sẽ công bố kế hoạch chi tiết trong năm nay sau khi cân nhắc cặn kẽ các yếu tố về quản lý nguồn nước.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Văn Dương trao đổi với ông Richard Courey.
Xin chia sẻ thêm là chúng tôi đang có thỏa thuận chiến lược với tỉnh Đồng Tháp trong việc xây dựng một hệ thống kết nối với cảng Cát Lái và những nơi khác, thiết lập tuyến đường bộ mới nối liền cầu Cao Lãnh, không chỉ phục vụ cho hoạt động nông nghiệp mà còn góp phần thúc đẩy mảng du lịch sinh thái tại đây, cụ thể là ở Vườn Quốc Gia Tràm Chim. Chúng tôi vô cùng hào hứng đón cơ hội đang mở ra trước mắt.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản lý (Mậu Tuất 2018).