Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan và Ngân hàng SCB vừa ký biên bản ghi nhớ về hợp tác tại Hà Nội. Nhân dịp này, Tạp chí Nhà Quản Lý đã có cuộc trao đổi với ông Wu Ming Ming, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan.
Ông Wu Ming Ming, Chủ tịch Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan
Ông có thể chia sẻ một vài nét cơ bản về Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan?
Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan thành lập ngày 26.5.2005, đến nay được 13 năm. Ngân hàng có cổ phần của Hiệp hội Nông nghiệp và Thủy sản (311 hiệp hội nông nghiệp và thủy sản địa phương) chiếm khoảng 56%, Ủy ban Nông nghiệp thuộc Chính quyền Đài Loan chiếm 40% và 4% còn lại thuộc Quỹ Bảo lãnh Tín dụng Nông nghiệp. Mặc dù Chính phủ nắm giữ 40% cổ phần nhưng Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan được xem là doanh nghiệp dân doanh. Lượng tiền gửi tại ngân hàng khoảng 700 tỉ Đài tệ (khoảng 23,4 tỉ USD), trong đó khoảng 97%-98% đến từ Hiệp hội Nông nghiệp và Thủy sản.
Tốc độ giải ngân của Hiệp hội Nông nghiệp Thủy sản địa phương khá chậm trước khi Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan ra đời. Việc Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan đi vào hoạt động cải thiện đáng kể chất lượng tín dụng của Hiệp hội Nông nghiệp Thủy sản. Đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp của ngân hàng hỗ trợ đắc lực bộ phận tín dụng của Hiệp hội Nông nghiệp Thủy sản, tiến hành đối chiếu và kiểm soát an toàn toàn bộ quá trình giải ngân.
Ngân hàng cũng có thể hợp tác với hiệp hội cho vay hợp vốn hoặc cho vay. Bên cạnh đó là quy định những khoản vay đến hạn mức nhất định phải được sự chấp thuận của ngân hàng. Về khía cạnh quản lý, Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan bị giám sát bởi Cục Tài chính Nông nghiệp trực thuộc Ủy ban Nông nghiệp. Cơ quan này được thành lập từ 2004, một năm trước khi Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan ra đời. Đến nay, cơ chế này vẫn đang vận hành lành mạnh.
Cũng cần nói thêm rằng Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện. Ngoài mảng nông nghiệp mà thực tế là đa phần những khoản tín dụng nông nghiệp đều có quy mô nhỏ, ngân hàng thực hiện các nghiệp vụ như những ngân hàng thông thường, gồm tài chính tiêu dùng, tài chính doanh nghiệp, ngoại hối, tín thác. Ngân hàng cung cấp dịch vụ tài trợ đất đai, xây dựng, thực hiện nghiệp vụ đầu tư vào cổ phiếu trên thị trường nội địa cũng như trái phiếu quốc tế. Chúng tôi cũng là nhà tài trợ cho rất nhiều dự án tầm cỡ mà Ủy ban Nông nghiệp phụ trách.
Khu vực nông nghiệp Việt Nam có thể chờ đợi gì từ Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan, thưa ông?
Hiện chúng tôi vẫn đang khẩn trương xin phép mở chi nhánh kinh doanh tài chính quốc tế OBU (Oversea Banking Unit). Theo tôi được biết hiện nay khoảng 33% lượng tiền gửi tại 38 ngân hàng ở Đài Loan đến từ OBU. Hy vọng vào ngày đầu tiên của năm tới, chúng tôi có thể cung cấp dịch vụ cho vay đến khách hàng quốc tế, trong đó có Việt Nam.
Cách đây khoảng hai tuần, chúng tôi đã thiết lập quan hệ hợp tác với Ngân hàng SCB. Sau khi thành lập OBU, chúng tôi sẽ được SCB và một số viện nghiên cứu tại Việt Nam tiếp sức tìm kiếm khách hàng. Chúng tôi rất biết ơn về điều đó.
Thế còn mô hình kinh tế hợp tác ở Đài Loan thì sao?
Đối với hoạt động kinh tế hợp tác, Đài Loan có hai thành phần tương đối quan trọng. Một là những hiệp hội được tổ chức theo ngành sản xuất đơn lẻ, chẳng hạn như hiệp hội của người nuôi ong, nuôi vịt xiêm, trồng hoa lan… Tuy nhiên, những hiệp hội này không có mảng dịch vụ tín dụng như Hiệp hội Nông nghiệp và Thủy sản với mạng lưới 311 phòng tín dụng và 1.176 đại lý. Hiệp hội Nông nghiệp và Thủy sản hoạt động như một hợp tác xã đa năng, ngoài chức năng tín dụng còn cung cấp dịch vụ bảo hiểm, xúc tiến thương mại… Thành phần thứ hai là hợp tác xã, tham gia Liên đoàn Hợp tác xã Nông nghiệp. Như vậy, hợp tác xã là tổ chức liên vùng, cung ứng sản phẩm nông nghiệp cho thị trường trong và ngoài nước rất hiệu quả.
Đâu là thách thức cơ bản đối với nông nghiệp Đài Loan, thưa ông?
Trước khi đến Việt Nam, tôi có tìm hiểu thông tin về độ tuổi lao động ở đất nước các bạn, mức trung bình chưa đến 30 tuổi, rất trẻ trung. Trong khi đó, ở Đài Loan, xu hướng già hóa dân số là trở ngại lớn nhất đối với ngành nông nghiệp. Rất khó để những nông dân lớn tuổi tập hợp thành lực lượng. Việc đào tạo, huấn luyện họ cũng không dễ dàng. Phần vì một số người không muốn tiếp nhận tri thức mới do tự tin vào năng lực, kinh nghiệm của mình. Phần khác có thể là do nhu cầu, chỉ cần chút lợi nhuận từ quy mô sản xuất nhỏ lẻ. Trong tương lai, Việt Nam cũng có thể đối mặt với thách thức này.
Khoa học – công nghệ đang phát triển rất nhanh. Rất nhiều kiến thức mới từ canh tác, logistics đến thị trường cần được cập nhật. Đấy là lý do khiến chúng tôi hướng tới người trẻ, dễ có động lực học tập, phấn đấu. Chúng tôi hy vọng sẽ bồi dưỡng được một thế hệ nông dân trẻ gánh vác nhiệm vụ phát triển nông nghiệp trong tình hình mới.
Nông nghiệp có rất nhiều ngành hàng. Theo ông, việc lựa chọn sản phẩm chiến lược được hình thành trên cơ sở nào?
Tùy thuộc vào từng giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau mà Đài Loan tập trung vào từng nhóm sản phẩm nông nghiệp. Chẳng hạn thập niên 1960, chúng tôi tập trung phát triển chuối, dứa, quýt hồng cung ứng thị trường Nhật Bản. Thập niên 1970 và 1980, chúng tôi ưu tiên nguồn lực cho thủy sản. Còn mười mấy năm trở lại đây là sự lên ngôi của những hợp tác xã hoa lan tương tác tích cực với Hiệp hội giống hoa, Hiệp hội triển lãm hoa… khép kín chuỗi giá trị từ đầu vào cho đến đầu ra.
Tối qua, tôi nói với những người bạn Việt Nam của mình rằng Thượng đế ưu ái cho Việt Nam bờ biển dài là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế ven biển và cận ven biển, gồm cả ngành nuôi trồng thủy sản. Dọc theo bờ biển, Việt Nam có thể tổ chức nhiều hợp tác xã, đào tạo nông dân căn cứ vào nhu cầu của ngành theo định hướng thị trường. Sở hữu một lực lượng lao động trẻ là lợi thế rất lớn của các bạn.
Nguồn lực hữu hạn, không đủ dàn trải cho tất cả ngành hàng. Nếu lựa chọn chính xác sản phẩm nông nghiệp, chính sách hỗ trợ đúng đắn, kết hợp với giáo dục – đào tạo và chọn lọc, tiếp thu kinh nghiệm tiên tiến từ chuyên gia nước ngoài thì tôi tin nông nghiệp Việt Nam rất có triển vọng.
Cũng như người Đài Loan, người Việt Nam cần cù, chăm chỉ. Đức tính này rất quan trọng nhưng bên cạnh đó cũng cần đặc biệt đề cao tinh thần đoàn kết. Khuyến khích tư duy hợp tác thay thế quan điểm độc lập tác chiến. Xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế khiến người nông dân không chỉ chịu áp lực cạnh tranh tại thị trường nội địa mà là toàn bộ phần còn lại của thế giới. Ý nghĩa quan trọng của hợp tác xã là cùng gánh vác rủi ro cũng như cùng chia sẻ lợi ích. Vấn đề tiếp theo là lựa chọn sản phẩm chiến lược có khả năng gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu. Sự hỗ trợ từ phía chính quyền vô cùng cần thiết, đặc biệt là giai đoạn khởi đầu.
Theo ông, ưu tiên hỗ trợ từ chính quyền nên được sắp xếp theo trật tự nào?
Nông dân cần được hỗ trợ về công nghệ tiên tiến bằng cách nhập khẩu. Kế đến là vốn. Ở Đài Loan, chính quyền thông qua Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan cung cấp tín dụng lãi suất ưu đãi cho đối tượng nông dân khởi nghiệp. Ủy ban Nông nghiệp ủy thác cho chúng tôi tổ chức 8 địa điểm, cung cấp thông tin và tư vấn cho nông dân những điều kiện để tiếp cận vốn vay ưu đãi lãi suất, dao động trong khoảng từ 1,29% xuống đến 0,78% mỗi năm. Đây là mức lãi suất rất thấp khi so sánh với nhiều nền kinh tế khác có lãi suất lên đến 3,8%, 4,8%, 5,8% hoặc 6,8% tùy từng quốc gia. Chúng tôi cũng áp dụng chương trình bảo lãnh tín dụng nhằm khuyến khích nông dân theo hướng gia tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm, vượt qua những tiêu chuẩn về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm…
Theo tôi được biết, các bạn đang rất chú trọng vào ngành hàng rau củ quả. Phần vỏ của một số loại nông sản như đậu, bắp…, đều rất có lợi cho sức khỏe. Nên chăng có những chương trình khuyến khích nông dân khai thác phụ phẩm nông nghiệp, vừa có thêm thu nhập, vừa góp phần hoàn thiện chuỗi giá trị.
Ông Wu Ming Ming lấy bằng tiến sĩ kinh tế nông nghiệp tại Đại học bang Ohio, Mỹ năm 1986. Ông từng đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Chủ tịch Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Đài Loan, Giáo sư kiêm Cố vấn học vụ Khoa Quản trị Doanh nghiệp trường đại học Da Yeh, Chủ tịch Liên Minh Sản xuất Nông nghiệp Đài Loan… Hiện ông là Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Nông nghiệp Đài Loan.
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý.