Ông Balu Iyer, Tổng Giám đốc Liên minh HTX Quốc tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương phát biểu tại Hội thảo
“Rủi ro cho ngân hàng sẽ rất hạn chế bởi vì đã được đảm bảo đầu ra làm nguồn trả nợ cho Liên minh HTX” – Tổng giám đốc Ngân hàng SCB Võ Tấn Hoàng Văn đánh giá.
Ngày 18. 5.2018, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ đã tổ chức “Hội thảo Xúc tiến thương mại, công nghệ và thu hút vốn phát triển hợp tác xã Việt Nam”. Một chủ đề được quan tâm và đánh giá cao tại hội thảo lần này là giải pháp tìm nguồn vốn để phát triển kinh tế hợp tác xã.
Đông đảo lãnh đạo chính phủ, bộ ngành cùng đại diện các hợp tác xã, tổ chức tài chính, viện nghiên cứu trong và ngoài nước đã dự Hội thảo
Nguồn vốn là nhu cầu bức thiết với mọi tổ chức kinh tế nói chung và các hợp tác xã nói riêng. Thống kê từ liên minh hợp tác xã cho thấy, với số lượng hơn 20.000 hợp tác xã đang hoạt động, với hơn 6,3 triệu thành viên và 2,5 triệu lao động làm việc thường xuyên thì mới chỉ khoảng 2% số hợp tác xã tiếp cận được vốn vay, còn phần lớn vẫn tự xoay sở.
Thiếu vốn khiến nhiều hợp tác xã không thể mở rộng sản xuất kinh doanh, thậm chí còn có khả năng rơi vào nguy cơ phá sản, còn những hợp tác xã muốn vươn lên tiếp cận công nghệ cao lại gặp rất nhiều khó khăn.
Lý do khiến các hợp tác xã khó tiếp cận nguồn vốn vay là do họ không có tài sản đảm bảo và không đáp ứng được các yêu cầu chặt chẽ từ các ngân hàng.
Một diễn giả tham gia Hội thảo – ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, cho biết dư nợ cho vay của SCB đối với các hợp tác xã còn chiếm tỷ trọng rất khiêm tốn, chỉ dưới 1% tổng dư nợ. Trong đó, SCB đã cung cấp tín dụng cho một số HTX vận tải tại TP.HCM để đầu tư làm mới hệ thống xe và nâng cao khả năng hạn chế ô nhiễm môi trường. Ngân hàng chưa có đối tượng khách hàng thuộc khu vực HTX nông nghiệp.
Tuy nhiên, lãnh đạo của SCB đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng tín dụng dành cho khu vực HTX nông nghiệp khi mô hình chuỗi giá trị nông sản đã và đang đi vào vận hành hiệu quả.
Cụ thể, theo mô hình này, Liên minh HTX và Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ sẽ làm công tác tổ chức từ khâu sản xuất, hỗ trợ cho người nông dân về kỹ thuật, công nghệ và vật tư cho đến bao tiêu đầu ra. Họ cũng được đào tạo nâng cao năng lực về quản trị, và đặc biệt được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi từ ngân hàng.
Tham gia chuỗi còn có một đơn vị bảo hiểm để cung cấp bảo hiểm cho hàng hóa.
“Với cách tổ chức như thế, chúng tôi tin rằng rủi ro cho ngân hàng sẽ rất hạn chế bởi vì đã được đảm bảo đầu ra làm nguồn trả nợ. Mô hình này sẽ rất hiệu quả trong thực tế” – ông Văn nhấn mạnh.
Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB, tin tưởng vào tiềm năng của tín dụng cho chuỗi giá trị
Khi xem xét cho vay, SCB đặt ra yêu cầu khách hàng phải nằm trong chuỗi giá trị nói trên bởi vì chỉ có như vậy, họ mới được hỗ trợ về công nghệ, phân bón, con giống và đảm bảo đầu ra hay nói cách khác, đảm bảo có doanh thu và nguồn trả nợ cho ngân hàng.
Cũng trong ngày 18.5, SCB và Ngân hàng Nông nghiệp (Agribank) Đài Loan ký kết một thỏa thuận, theo đó Agribank Đài Loan sẽ hỗ trợ SCB về vốn để có thể cho vay các xã viên hợp tác xã với mức lãi suất ưu đãi. Song song với quá trình đó, các nhà tài trợ cũng đồng hành với SCB để thành lập một quỹ hỗ trợ cho các xã viên. Quỹ này sẽ được dùng để làm vốn đối ứng và tài trợ một phần lãi giúp người nông dân tiếp cận nguồn vốn có chi phí thấp.
“Bình quân lãi suất cho vay xã viên tại SCB ở mức từ 5-7%/năm. Đó là mức lãi suất rất tốt so với các gói vay thông thường, chưa kể trong quá trình cho vay, các nhà tài trợ có thể hỗ trợ thêm giúp cho lãi suất giảm thêm nữa” – Tổng giám đốc Ngân hàng SCB cho hay.
Tại hội thảo, ông Wu Ming Ming – Chủ tịch Ngân hàng Agribank Đài Loan – chia sẻ một vài kinh nghiệm trong việc hợp tác tài chính giữa tổ chức tín dụng với các hợp tác xã nông nghiệp tại Đài Loan.
Tương tự như mô hình chuỗi giá trị mà Liên minh HTX Việt Nam và Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ đang thực hiện, tại Đài Loan, một Ủy ban HTX Nông nghiệp được thành lập và đóng vai trò quản lý, tổ chức chuỗi giá trị. Tổ chức này sẽ kết nối và chia sẻ với các thành viên của HTX các vấn đề về công nghệ, sản xuất, bảo hiểm cho nông dân và cũng bao tiêu sản phẩm.
Ông Wu cho rằng yếu tố quan trọng nhất trong mô hình là tín dụng. Đài Loan có hơn 1.000 quỹ tín dụng với quy mô vốn tương đương 3 ngân hàng, chuyên làm nhiệm vụ cung cấp vốn cho các hợp tác xã. Đặc biệt, qua quá trình cấp tín dụng, ngân hàng và các quỹ tín dụng cũng là đơn vị hỗ trợ và đào tạo nông dân trong kỹ thuật canh tác và quản trị sản xuất.
Riêng Agribank Đài Loan đã cung cấp nhiều khoản vay dự án nông nghiệp như cho vay máy móc nông nghiệp, vay cho chính sách chủ trang trại nhỏ và nông dân làm thuê, khoản vay nông nghiệp với bảo tồn năng lượng và giảm thải carbon…
Đặc biệt, Agribank Đài Loan có khoản vay cho thanh niên thành lập doanh nghiệp nông nghiệp, nhằm cung cấp vốn cho các nông dân trẻ khởi nghiệp liên quan đến sản xuất, tiếp thị nông sản và thương mại điện tử. Các khoản vay này có thời hạn dài nhất là 10 năm với lãi suất 1,29%/năm, hạn mức tín dụng cao nhất là 5 triệu NT$ bao gồm 1 triệu NT$ vốn lưu động.
Cho vay khởi nghiệp cũng là lĩnh vực mà Tổng giám đốc của ngân hàng SCB quan tâm và đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng.
Nguồn: Tạp chí Nhà Quản Lý