Khuyến nghị các giải pháp thực hiện nền nông nghiệp sạch và an toàn hơn

Ngày 23/3, Ngân hàng Thế giới (WB) công bố Nghiên cứu “Thách thức của ô nhiễm nông nghiệp: bằng chứng từ Trung Quốc, Việt Nam và Philippines” có kết nối trực tuyến với điểm cầu Hà Nội.

Nghiên cứu đã tổng hợp các số liệu sẵn có về nhiều chất gây ô nhiễm cho thấy, hiện trạng, lý do, hậu quả nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường trong nông nghiệp tại Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Mặc dù có nhiều chất gây ô nhiễm trong nông nghiệp nhưng cũng có nhiều giải pháp kỹ thuật giúp cải thiện quản lý chất thải vật nuôi, cây trồng, tối ưu hóa việc sử dụng hóa chất, nhựa, thuốc thú y, thức ăn trong nông nghiệp, đem lại cơ hội nâng cao chất lượng và giá trị của nông nghiệp.

Bà Victoria Kwakwa, Phó Chủ tịch Phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế giới phát biểu, Nghiên cứu cho thấy việc định hướng lại chính sách công và chỉ tiêu cho kiểm soát ô nhiễm có thể mang lại lợi ích cho cả nông dân và người tiêu dùng. Ngân hàng Thế giới cam kết giúp các nước thực hiện mục tiêu này.

Nhấn mạnh tăng trưởng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện an ninh lương thực và đưa hàng triệu người thoát nghèo đói ở khu vực Đông Á trong ba thập kỷ qua, bà Laura Tuck, Phó Chủ tịch về Phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới cho rằng, đầu tư vào việc ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm là quan trọng nhằm đảm bảo rằng lợi ích thu được từ phát triển trong nông nghiệp là bền vững. Các chính sách, biện pháp kiểm soát ô nhiễm hiệu quả có thể nâng cao lợi nhuận của nông nghiệp, khuyến khích sự phát triển của một ngành công nghiệp thực phẩm cạnh tranh trong khi nâng cao được sức khỏe con người và môi trường.

Nghiên cứu “Thách thức của ô nhiễm nông nghiệp: bằng chứng từ Trung Quốc, Việt Nam và Philippines” chỉ ra, hành động phòng chống ô nhiễm có thể tiếp sức cho các ưu tiên chính sách tầm quốc gia mới trong đó có tăng cường an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo thêm giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, nâng cao chất lượng khẩu phần ăn hàng ngày, giảm phát thải khí nhà kính để chống lại biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh này, giải quyết các vấn đề ô nhiễm trong nông nghiệp có thể được coi là “cánh cổng” dẫn đến thực hiện được các mục tiêu phát triển bền vững nói chung của các quốc gia.

Bên cạnh đó, tăng trưởng và thâm canh nông nghiệp đã hỗ trợ một số các nền kinh tế trong khu vực Đông Á tăng trưởng, đô thị hóa nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, ở một số nơi khác trong vùng, nông nghiệp đang trở thành nạn nhân của chính những thành công đó. Tại các khu vực trồng trọt thâm canh, nông nghiệp đã trở thành nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm đất, không khí và nước. Hàm lượng thuốc hoặc hóa chất quá mức trong thực phẩm cũng ảnh hưởng đến an toàn vệ sinh thực phẩm trong nước và tiếp cận thị trường quốc tế. Hơn nữa, ô nhiễm trang trại thường lan truyền rộng nhưng vẫn chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng ngay cả khi tình trạng này đang gia tăng.

Nghiên cứu “Thách thức của ô nhiễm nông nghiệp: bằng chứng từ Trung Quốc, Việt Nam và Philippines” đưa ra phương thức để khu vực công có thể cải thiện vấn đề này, hướng nguồn lực tới các ưu tiên xử lý ô nhiễm; bắt buộc và tạo động lực cho nông dân có quy mô sản xuất, năng lực khác nhau sản xuất theo các cách hiệu quả hơn; hỗ trợ đổi mới sáng tạo, học hỏi để kiểm soát được thách thức ô nhiễm và cấu trúc lại khu vực nông nghiệp để tăng trưởng bền vững hơn. Dù kiểm soát ô nhiễm đòi hỏi phải có đầu tư ban đầu nhưng cũng có nhiều giải pháp tạo ra lại cơ hội thành công cho cả việc tăng hiệu quả, giảm tác động xấu.

Hiện nay, Ngân hàng Thế giới đã hỗ trợ cho các nỗ lực kiểm soát ô nhiễm nông nghiệp ở khu vực Đông Á. Tại Việt Nam, nguồn tài chính của Ngân hàng Thế giới sẽ giúp nhân rộng các mô hình thực tế có tính sáng tạo về nuôi trồng thủy sản giúp nâng cao năng suất tôm, giảm ô nhiễm nước cho khoảng 100.000 ha ở Đồng bằng sông Cửu Long, giúp nông dân nâng cao sinh kế, khả năng chống chịu trước biến đổi khí hậu. Ngoài ra, Việt Nam đang nhân rộng việc áp dụng bể phân hủy khí sinh học (biogas) trong hoạt động chăn nuôi, thúc đẩy sử dụng phân bón, hóa chất nông nghiệp hợp lý hơn trong nhóm nông dân trồng lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Nguồn: TTXVN

Bài viết liên quan