Viện trưởng Viện Kinh tế Nông nghiệp Hữu cơ Lê Thành là một gương mặt quen thuộc tại nhiều diễn đàn nông nghiệp quan trọng. Người đàn ông trung niên này được xem là kiến trúc sư thiết kế chuỗi giá trị rau củ quả định hướng thị trường quốc tế tại mô hình điểm Tây Ninh. Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi mở đầu từ chiết tự hai chữ “hữu cơ”.
Ông Lê Thành – Viện trưởng Viện Kinh Tế Nông Nghiệp Hữu Cơ
Ông Thành dẫn dắt:
Nhìn lại lịch sử, nông nghiệp Việt Nam chú trọng đến yếu tố kỹ thuật canh tác, chăn nuôi. Câu chuyện kinh tế nông nghiệp chưa được quan tâm thấu đáo. Một trong những hệ lụy trực quan là những chương trình giải cứu nông sản đến hẹn lại lên. Nguyên nhân có nhiều nhưng chủ yếu bắt nguồn từ hoạch định chính sách. Những người sáng lập Viện thống nhất tham gia đóng góp về chính sách nông nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế nông nghiệp, kết nối đầu tư, chuyển giao công nghệ và đào tạo. Từ “hữu cơ” có hai hàm ý. Một là xu hướng của nông nghiệp thế giới. Hai là quan hệ có qua có lại, đôi bên cùng có lợi (win – win).
Được biết Viện đồng hành cùng lãnh đạo Tây Ninh phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp hội nhập thị trường quốc tế và mô hình điểm tại địa phương này. Mô hình này khác gì với tư duy truyền thống?
Mô hình tiếp cận từ nhu cầu thị trường. Xu hướng tiêu dùng ưa chuộng của thế giới là rau củ quả. Quy mô thị trường chế biến ngành hàng này năm 2016 đạt 317 tỉ USD, tốc độ tăng trưởng khoảng 20%. Năm 2017, xuất khẩu rau củ quả mang về cho Việt Nam 3,45 tỉ USD, tăng 40,5% so với năm trước. Kỳ tích này không làm chúng tôi bất ngờ.
Nhưng nói mà không làm rất khó thuyết phục. Chúng tôi cùng Lavifood quyết định đầu tư 1.500 tỉ đồng xây dựng nhà máy chế biến rau củ quả tại Tây Ninh theo tiêu chuẩn LEED Silver. Nhà máy đa năng này dài hơn 1 cây số, có 8 dây chuyền ứng dụng công nghệ châu Âu được thiết kế liên hoàn. Song song với quá trình xây dựng, chúng tôi kiên trì thảo luận với Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương. Sau một năm triển khai, rau củ quả đã được Chính phủ xác định là ngành mũi nhọn tại diễn đàn về nông nghiệp ở Đồng Tháp vào tháng 12.2017. Tư duy của những nhà hoạch định chính sách thay đổi theo định hướng thị trường thế giới, đưa khái niệm phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị vào nghị quyết. Sự thay đổi từ thượng tầng góp phần huy động nguồn lực xã hội.
Mấy tháng gần đây đã có tín hiệu cho thấy những doanh nghiệp tầm cỡ rục rịch đầu tư vào công nghiệp chế biến. Nói gì thì nói, phát triển ngành dứt khoát phải có những doanh nghiệp dẫn đầu.
Ông có thể nói rõ hơn?
Làm thị trường thế giới rất khó. Những ông lớn trong ngành bán lẻ toàn cầu đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Bí quyết nằm ở công nghệ. Sân chơi toàn cầu không có chỗ cho những nhà đầu tư đoản vốn. Đầu tư lớn cho công nghệ được bù đắp bằng việc tiết giảm chi phí tiếp thị. Tại sao?
Những ông lớn trong ngành bán lẻ đều thiết lập quan hệ với những nhà cung cấp công nghệ. Khách hàng mua công nghệ trở thành những nhà cung ứng tiềm năng. Tại diễn đàn ở Đồng Tháp vừa qua, nhà bán lẻ trái cây số 2 Hoa Kỳ đã ký một đơn hàng trị giá 100 triệu USD.
Ông Lê Thành thuyết trình tổng quan về ngành rau-củ-quả và logistics tại diễn đàn hồi tháng 12.2017 ở Đồng Tháp
Khi thiết kế mô hình điểm tại Tây Ninh, chúng tôi lựa chọn Lavifood, sở hữu nhà máy tại Long An tiếp cận được tiêu chuẩn toàn cầu. Nội lực sẵn có là cơ sở để Lavifood gánh vác nhiệm vụ dẫn dắt chuỗi giá trị tại Tây Ninh.
Tiếp tục với câu chuyện tiếp thị nông sản quốc tế. Tôi cho rằng chúng ta đang thiếu trầm trọng những nhà tiếp thị đẳng cấp toàn cầu. Bằng chứng là nông sản Việt Nam vắng mặt ở những hội chợ nông nghiệp quốc tế uy tín. Nếu có thì vị trí gian hàng cũng rất khiêm nhường, ấn tượng mờ nhạt. Đấy là một trong những lý do khiến một số mặt hàng của Việt Nam (cà phê, gạo, tiêu…) nằm trong top 3 thế giới về sản lượng xuất khẩu nhưng chúng ta không làm giá được. Nhiều quốc gia có thể mạnh về xuất khẩu đều áp dụng mô hình ban phát triển thị trường quốc gia, hoạt động rất hiệu quả.
Mô hình này nên thuộc nhà nước hay tư nhân?
Theo kinh nghiệm thế giới, nhà nước nên để tư nhân làm thị trường. Chẳng hạn như ngành mía đường Thái Lan, 5 doanh nghiệp gánh vác nhiệm vụ quốc gia đàm phán, rồi phân bổ lại hạn ngạch cho ngành. Ở nước ta, nhà nước nên để cho hiệp hội thực hiện. Tuy nhiên, mô hình này nhiều khi vẫn mang thêm tính chất chính trị, xã hội. Đa nhiệm khiến hiệp hội khó phát huy hiệu quả.
Những hiệp hội dưới hình thức cánh tay nối dài của nhà nước không phát huy hiệu quả. Liệu có giải pháp nào thoát ra khỏi thế lưỡng nan này, thưa ông?
Đây là lợi thế của chuỗi giá trị đang nhận được sự ủng hộ từ Nhà nước. Mô hình thí điểm ở Tây Ninh có 18 doanh nghiệp tham gia mà Lavifood giữ vai trò dẫn dắt. Thế nên khi ngồi vào bàn đàm phán với nước ngoài, anh Phạm Ngô Quốc Thắng (Chủ tịch HĐQT, TGĐ Lavifood) mang theo cả chuỗi. Quyền thương lượng mạnh hơn giúp anh Thắng mua được cây giống chanh dây từ Đài Loan với giá 1 USD/cây, rẻ hơn phân nửa so với giá bán lẻ. Khoản chênh lệch này nông dân tham gia chuỗi được hưởng lợi đầu tiên. Chưa hết, việc Lavifood ứng trước vật tư nông nghiệp theo giá sỉ còn giúp nông dân tiết kiệm đáng kể chi phí lãi vay phục vụ sản xuất. Giảm giá thành hợp lý cải thiện năng lực cạnh tranh quốc tế. Sau cùng, chuỗi giá trị theo tiêu chuẩn toàn cầu với quy mô hàng chục ngàn hécta còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa với nhiều ngành công nghiệp phụ trợ, mở rộng phân khúc thị trường phân bón; hệ thống, trang thiết bị tưới tiêu…
Thương mại nông thôn hiện nay do thương lái kiểm soát. Việc hình thành chuỗi có thể xung đột lợi ích với lực lượng hàng xáo này?
Không thể phủ nhận vai trò của thương lái, hiện diện ở rất nhiều khâu từ vùng trồng cho đến bàn ăn. Họ hoạt động đúng luật, thuận mua vừa bán. Tuy nhiên, khi đến một vườn xoài, thương lái thông thường chỉ mua hàng loại 1, loại 2. Phần còn lại nông dân tự sản tự tiêu. Việc hình thành chuỗi mang đến cho nông dân thêm một lựa chọn. Loại 1 nhà máy xuất khẩu. Loại 2 bán tươi tại thị trường nội địa. Loại 3 đưa vào dây chuyền cô đặc. Loại 4 sấy khô. Loại 5 làm nước uống đóng chai. Nhìn vào túi tiền của mình, theo thời gian nông dân sẽ thấy hợp tác với nhà máy có lợi hơn. Về cự ly, nhà máy cũng gần với vùng trồng, dễ dàng vận chuyển.
Thực tế là nông dân Đồng Tháp đã chở nông sản về nhà máy của Lavifood tại Long An. Khi ấy, chúng tôi sẽ sắp xếp lại cuộc chơi cho thương lái. Nếu tham gia chuỗi, họ sẽ trở thành đại diện thương mại của công ty. Cuộc chơi minh bạch.
Tôi kỳ vọng chuỗi giá trị sẽ là giải pháp then chốt cho thị trường thương mại nông thôn.
Liệu còn thách thức nào khác, thưa ông?
Có. Chi phí logistics của Việt Nam hiện chiếm khoảng 25% GDP, trong khi nhiều nước chỉ khoảng 8% đến 10%. Thách thức hạ tầng không phải câu chuyện một sớm một chiều. Theo thống kê, tỷ lệ thất thoát, hao hụt thực phẩm trung bình của thế giới khoảng 40%, Việt Nam có thể là 50-60%, trong đó hao hụt trên đường vận chuyển chiếm tỉ trọng lớn nhất.
Lời giải cho bài toán hạ tầng không phải câu chuyện một sớm một chiều. Nhưng đấy vẫn chưa phải là thách thức lớn nhất. Khác với công nghiệp, dễ dàng thu hút lao động tập trung, tổ chức đào tạo rồi sản xuất, làm nông nghiệp phải về nông thôn, phải gắn liền với nông dân. Đất đai của họ ở đó, truyền thừa qua nhiều thế hệ. Một thời gian rất dài người nông dân canh tác theo kinh nghiệm. Tính kỷ luật không cao mới là thách thức lớn nhất.
Những nông dân tham gia chuỗi giá trị được hỗ trợ, đổi lại họ phải cam kết tuân thủ một hệ thống tiêu chuẩn. Trên cơ sở đó, nhà máy tổ chức huấn luyện, đưa kỹ thuật viên nông nghiệp ra đồng cùng nông dân, thậm chí cắm cảm biến (censor) xuống cánh đồng, ghi nhận thông tin theo yêu cầu của đối tác quốc tế. Không ít nông dân không theo kịp cách làm bài bản này.
Chúng tôi làm việc với lãnh đạo tỉnh, sản xuất chương trình hướng dẫn đưa lên báo đài địa phương, đồng thời chính quyền cử thêm cán bộ khuyến nông hỗ trợ. Đây là bước đệm để bà con tổ chức vùng trồng, tập thói quen quản lý. Tiếp đến, Viện làm việc với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, thành lập HTX kiểu mới theo mô hình quốc tế. Chúng tôi hỗ trợ những xã viên điển hình thành công, trở thành hạt nhân lan tỏa trong cộng đồng. Tình bà con, láng giềng giúp bà con dễ thuyết phục nhau hơn.
Hàng chục năm công nghiệp hóa đã tạo ra làn sóng di cư về đô thị, để lại một khoảng trống về lao động nông thôn. Nguồn nhân lực liệu có phải là yếu tố cần phải tính đến? Năm 1996, chúng ta bắt đầu phát triển khu công nghiệp. Nếu những thanh niên 20 tuổi bắt đầu vào làm việc liên tục tại một nhà máy thì đến thời điểm này, họ cũng sắp hết tuổi lao động. Nếu không có việc làm sau khi rời nhà máy, lực lượng này sẽ trở thành một gánh nặng đối với xã hội. Tính kỷ luật, tác phong công nghiệp mà họ đã được rèn luyện trong hơn hai thập niên qua với tôi là nguồn lực cho phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp. Tôi đã tiếp xúc với giám đốc một doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại khu công nghiệp Trảng Bàng. Nhà máy sắp phải đóng cửa theo lộ trình kết thúc chu kỳ đầu tư, ông ấy tỏ ra rất lo lắng cho tương lai của hàng ngàn công nhân đã gắn bó với mình trong suốt hai thập niên qua. Sau khi trao đổi với lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, tôi đề nghị họ bắt đầu một chu kỳ đầu tư mới trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm chuyển dịch lực lượng lao động này. Sau khi báo cáo về tập đoàn, ông ấy phản hồi rằng “tín hiệu rất tích cực”. Tôi nghĩ còn nhiều nhà đầu tư có sẵn “tình người”. Vấn đề là chúng ta có giải pháp để khơi thông, tận dụng “vốn xã hội” quý giá này thành nguồn lực phát triển kinh tế.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Nguồn: Tạp Chí Nhà Quản Lý (Mậu Tuất 2018)