Thị trường xuất khẩu: Nhu cầu tiêu thụ rau củ quả có xu hướng tăng trên toàn cầu
Nhu cầu tiêu thụ rau củ quả tăng cùng với sự gia tăng dân số cũng như nhu cầu ăn uống lành mạnh của con người ngày càng tăng. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, 37% tổng giá trị rau quả được mua bán trên toàn thế giới là rau quả chế biến. Rau quả chế biến bao gồm 4 hạng mục: rau quả đóng chai (40%), rau quả đông lạnh (36%), rau quả sấy (10%), nước trái cây và các loại sơ chế khác (14%). Mục đích chính của các sản phẩm rau quả chế biến là cung cấp thực phẩm tươi và dinh dưỡng quanh năm.
Chuỗi giá trị ngành chế biến rau củ quả | Thị phần chế biến rau củ quả trên thế giới |
Nguồn: IBISWORD
Công nghệ chế biến rau củ quả chủ yếu tập trung tại các quốc gia đã phát triển
Ngành chế biến với các công nghệ chế biến thô sơ như máy sấy rau củ có mặt tại khắp nơi trên thế giới, tuy nhiên, các hệ thống dây chuyền hiện đại và quy mô lớn chủ yếu tập trung tại các quốc gia đã phát triển tại Châu Âu (42% thị phần), theo sau là Bắc Á (chủ yếu là Trung Quốc – 20%), Bắc Mỹ (12%)… Mặc dù 22% trái cây tươi và 51% rau tươi trên thế giới đến từ Trung Quốc, quốc gia này chỉ đóng góp 20% vào tổng giá trị trái cây chế biến.
Sản lượng trái cây tươi theo quốc gia | Sản lượng rau tươi theo quốc gia |
Nguồn: FAO 2013
Ngành rau củ quả chế biến thế giới sẽ đạt 317.1 tỷ USD vào năm 2021, dự báo sẽ có sự dịch chuyển sản xuất sang các quốc gia đang phát triển.
Theo IBISWorld, doanh thu của sản phẩm rau quả chế biến được dự đoán sẽ tăng đến 317.1 tỉ USD vào năm 2021 với tỉ lệ tăng trưởng hàng năm là 2.7% cho giai đoạn 2015 – 2021, do nhu cầu tăng cao liên tục từ các nước đang phát triển với thu nhập đầu người tăng cao, đô thị hóa gia tăng và sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Đặc biệt, khu vực Châu Á Thái Bình Dương dự báo sẽ là nơi có tỉ lệ tăng trưởng cao nhất. Vì thế, dự báo sẽ có một sự dịch chuyển sản xuất các sản phẩm rau quả chế biến sang khu vực các nước đang phát triển nhằm giúp cho nhà sản xuất có thể tận dụng nguồn nhu cầu đang gia tăng và dân số lớn.
Doanh thu ngành rau củ quả chế biến toàn cầu | Nhu cầu tiêu thụ rau củ quả chế biến toàn cầu |
Nguồn: Worldbank, IBISWORLD
Như đã trình bày ở trên, thế mạnh sản xuất đang dẫn đầu bởi EU (42%), châu Mỹ (22%), và Bắc Á (20%). Trong khi đó, Châu Á và các vùng còn lại chia sẻ 30% lượng tiêu thụ của toàn cầu. Nguyên nhân chính là mức tiêu thụ trên đầu người ở các thị trường đã phát triển cao hơn rất nhiều so với các thị trường đang phát triển, nơi mà các sản phẩm với giá thấp hơn được ưa chuộng.
Thị trường sản phẩm làm từ rau củ quả thế giới, giai đoạn 2015 -2020
Rau củ quả vượt lúa gạo khi nằm trong TOP 3 nông sản xuất khẩu năm 2016, đạt tốc độ tăng trưởng 32,7% trong vòng 5 năm qua
Theo thống kê từ Tổng Cục Hải Quan, kim ngạch xuất khẩu rau củ quả Việt Nam năm 2016 đạt 2,5 tỷ USD, tăng trưởng với tốc độ CAGR là 32,7% giai đoạn 2011-2016. Chỉ trong 8 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này đã đạt 2,3 tỷ USD, tương đương 92% kim ngạch cả năm 2016. Tình hình xuất khẩu khả quan này được kỳ vọng sẽ tiếp tục duy trì ổn định dựa trên cơ sở nền kinh tế vĩ mô thuận lợi, nền nông nghiệp được Chính phủ ưu đãi với nhiều chính sách thuận lợi để phát triển.
Cơ cấu xuất khẩu nông nghiệp năm 2016
Nguồn: GSO 2016
Kim ngạch xuất khẩu rau củ quả tăng trưởng 32.7%/năm giai đoạn 2011-2016. Các đối tác xuất khẩu rau củ quả đông lạnh Việt Nam bao gồm Nhật (30%), Hàn Quốc (24%) và Mỹ (17%). Các quốc gia này có nền kinh tế ổn định và được kỳ vọng sẽ tiếp tục nhập khẩu nông sản Việt Nam trong tương lai.
Kim ngạch xuất khẩu rau củ quả Việt Nam | Kim ngạch xuất khẩu rau củ quả đông lạnh Việt Nam |
Nguồn: GSO
Đối tác xuất khẩu rau củ quả Việt Nam | Đối tác xuất khẩu rau củ quả đông lạnh Việt Nam |
Nguồn: GSO
Ngoài ra, mặc dù Trung Quốc là nhà nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, doanh nghiệp sẽ không tập trung ưu tiên cho thị trường này do các sản phẩm rau quả hiện tại xuất khẩu sang Trung Quốc là sản phẩm tươi, giá trị thấp, không phù hợp với chiến lược nâng cao giá trị sản phẩm của công ty cũng như những bất ổn về mặt chính trị với quốc gia này có thể ảnh hưởng rất lớn đến sự ổn định và bền vững của xuất khẩu.
Thị trường nội địa: Nhu cầu tiêu thụ trái cây và các sản phẩm trái cây được kỳ vọng sẽ tăng trưởng nhanh nhờ sự cải thiện ý thức về sức khỏe của người tiêu dùng.
Thị trường trái cây tươi và trái cây chế biến Việt Nam đạt ~ 1.3 tỷ USD vào năm 2016, tăng 7.5% yoy. BMI dự báo tốc độ tăng trưởng sẽ đạt trên 10%/năm giai đoạn 2018 – 2021. Tăng trưởng tiêu thụ các sản phẩm trái cây được hỗ trợ bởi sức mua tăng và ý thức về sức khoẻ được nâng cao của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tình trạng trái cây không an toàn có nguồn gốc không rõ ràng góp phần hướng người tiêu dùng tới các sản phẩm trái cây nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành chế biến rau củ quả Việt Nam.
Tiêu thụ trái cây tươi và chế biến tại Việt Nam | Tiêu thụ nước ép tại Việt Nam |
Nguồn: BMI, Euromonitor
Phần lớn thị phần phân phối nông sản hiện vẫn thuộc về kênh bán lẻ truyền thống (83.6% thị phần năm 2016). Tuy nhiên, khi người tiêu dùng ngày càng chú ý đến chất lượng và xuất xứ của sản phẩm, thị phần kênh hiện đại được kỳ vọng sẽ tăng trưởng.
Ngành chế biến rau củ quả ở Việt Nam kỳ vọng sẽ thu hút thêm đầu tư
Hiện tại có 145 doanh nghiệp chế biến rau quả tại Việt Nam, chỉ chiếm 2.19% trong số các doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (theo số liệu của Viện Quy hoạch và Thiết kế Nông nghiệp). Công suất trung bình đạt 826,630 tấn một năm (2013) trong khi trong khi tổng sản xuất rau quả tươi đạt 22.1 triệu tấn trong cùng một năm. Do kết quả của việc đầu tư vốn thấp trong nông nghiệp, mức độ chế biến trong ngành công nghiệp rau quả chỉ là 4%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của thế giới.
Nguồn: Dự án điều tra thực trạng chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản trong các loại hình tổ chức sản xuất – Viện QH và Thiết kế nông nghiệp, 2013
Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến rau củ quả chỉ chiếm 2,19% | Tỷ lệ rau củ quả chế biến ở Việt Nam thấp so với thế giới |
Nguồn: Dự án điều tra thực trạng chế biến, bảo quản nông lâm thủy sản trong các loại hình tổ chức sản xuất – Viện QH và Thiết kế nông nghiệp, 2013 Nguồn: Cygnus report, Indian Food Processing Sector
Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ cho mảng chế biến rau củ quả
Chính phủ Việt Nam đang có các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp chế biến, trong đó có chế biến trái cây. Một trong những chính sách tiêu biểu là Nghị Quyết 30/2017/NQ-CP, trong đó Thủ tưởng chỉ đạo huy động gói tín dụng 100,000 tỷ VNĐ từ nguồn vốn của các ngân hàng thương mại để cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có chế biến công nghệ cao, với lãi vay ưu đãi thấp hơn từ 0.5% đến 1.5% so với thị trường.
Cùng với chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, ngành rau củ quả chế biến sẽ còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai, đặc biệt là khi (1) nguồn FDI vào nông nghiệp Việt Nam ngày càng tăng trước nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), (2) xuất khẩu rau quả chế biến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ các hiệp định thương mại tự do và (3) nhu cầu trong nước cho rau quả chế biến được dự kiến sẽ tăng ở tốc độ trên 10% trong thời gian 2016-2020 nhờ dân số trẻ, thu nhập tăng và đô thị hóa gia tăng.